Việc xây dựng Luật Làng nghề sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề gắn với du lịch, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan; thể hiện sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước đối với nghề truyền thống. Đó là khẳng định của ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của làng nghề trong những năm vừa qua?
Ông Lưu Duy Dần: Những năm qua, làng nghề ở Việt Nam có thể nói là đã hồi sinh. Lâu nay, ở các làng nghề, các nghệ nhân nhất là các phố nghề tích tụ nhiều thứ mà có thể nói, đã đến lúc chúng ta nên mở ra phục vụ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa. Có thể thấy, Hà Nội khi sáp nhập Hà Tây vào thì phố nghề, làng nghề đã có nhiều khởi sắc, kể cả gắn với du lịch, gắn với đời sống nông thôn mới cùng hỗ trợ cho nhau. Hiện nay các làng nghề, phố nghề đang là bộ mặt văn hóa, du lịch, đồng thời kết nối với nhau thúc đẩy hội nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì sự phát triển của làng nghề đến giai đoạn này cũng đã bộc lộ những vấn đề cần được giải quyết. Ông nhận định như nào về vấn đề này?
- Nhiều nơi đã tổ chức các triển lãm trưng bày, giới thiệu, phát triển du lịch các làng nghề, điều đó làm cho nghệ nhân phấn chấn, họ sẽ phát huy tài năng của mình. Bế tắc của chúng ta hiện nay là làm thế nào để nghệ nhân họ cống hiến hết mình, nên có chính sách khuyến khích như thế nào với họ.
Việc xây dựng và ban hành Luật Làng nghề hết sức cần thiết. Luật chính là pháp luật của Nhà nước cho phép làng nghề phát triển những gì, các làng nghề sẽ nắm rõ bản thân được hưởng và không được hưởng những gì, từ đó họ làm theo luật. Và Luật Làng nghề còn cho thấy sự quan tâm đầy đủ hơn của Chính phủ, của Nhà nước đối với các nghề truyền thống này.
Theo ông, khi xây dựng luật làng nghề cần lưu ý những vấn đề gì?
- Luật cần quan tâm rằng làm sao để kích thích sự phát triển các làng nghề vì đó là nghề thủ công, nó là sự kết hợp giữa văn hóa với nghệ thuật, với truyền thống của gia đình và thêm nữa là phục vụ cho hoạt động du lịch. Những cái thuộc về quà tặng, từ lớp người già cao tuổi cho đến lớp người trẻ, thanh thiếu niên, nó hàm chứa văn hóa và lịch sử rất quan trọng. Luật nên quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chứ không phải là cứ thấy hay thì có thể đánh cắp ý tưởng, mẫu mã của họ, biến nó thành của mình một cách phi pháp cùng với đó là quyền phát ngôn, bản quyền sáng tạo,... Cho nên luật có còn cái hay nữa là nâng cao vị thế của Nhà nước trong việc bảo vệ các nghề thủ công này, được sự thừa nhận của Nhà nước, các nghệ nhân, các người làm nghề tự hào khi thấy việc mình làm đã có luật bảo hộ.
Thưa ông, Hiệp hội có đề xuất gì để thúc đẩy việc ban hành luật làng nghề?
- Hiệp hội đã kiến nghị, luật nên chú ý đến yếu tố con người, chú ý đến các nghề truyền thống và đặc biệt là sự phát triển văn hóa của chính những bàn tay, khối óc những người nghệ nhân làng nghề. Đồng thời, kết hợp với các nhà khoa học, sự kết hợp của các nghệ nhân và các chuyên gia về văn hóa từ đó giúp bổ sung và hoàn thiện hơn trong văn hóa làng nghề.
Sự cân bằng hài hòa lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia trong quá trình xây dựng và bảo tồn các làng nghề hiện nay đang được triển khai ra sao, thưa ông?
- Việc này được quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật, trong Hiến pháp của nước ta. Theo đó, quy định rõ quyền của nghệ nhân, làng nghề đến đâu, xây dựng và bảo tồn làng nghề phát triển thì nghệ nhân, người làm nghề được hưởng lợi gì. Giữ gìn văn hóa, hướng phát triển kinh tế - văn hóa kết hợp du lịch làng nghề như thế nào, các nghệ nhân, người làm nghề phải hiểu được tầm quan trọng của yếu tố văn hóa. Vì vậy luật làng nghề không chỉ bảo vệ họ mà còn là quy định để họ làm theo, đồng thời còn là thước đo để các cấp lãnh đạo soi vào để làm đúng quyền hạn và chức trách của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!