Xây dựng luật phải sát với cuộc sống

28/06/2016 09:15

Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải có cuộc họp bất thường với các trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, phành phố để tìm hướng “xử lý những sai sót”- hoãn thi hành Bộ luật Hình sự. Như vậy trong nhiệm kỳ QH vừa qua, thêm một đạo luật mới được ban hành chưa có hiệu lực đã phải sửa.Trao đổi với ĐĐK, ông Phạm Trường Dân (ĐBQH Đoàn Quảng Nam) cho rằng: QH khóa XIV cần khắc phục những tồn tại đó để nâng cao chất lượng luật. Khi chưa chín muồi thì dứt khoát chưa thông qua.    

Xây dựng luật phải sát với cuộc sống

Ông Phạm Trường Dân.

Hoãn thi hành Bộ luật Hình sự

Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã có cuộc họp bất thường với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khóa XIII. Cuộc họp bất thường nhằm trao đổi, thống nhất một số vấn đề liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 tới đây. Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII phiếu biểu quyết về nội dung hoãn thời gian có hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015 đến ngày 1/1/2017. Trong thời gian đó, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có hiệu lực thi hành. Phiếu biểu quyết được chuyển đến tận tay từng vị đại biểu và các văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội được yêu cầu cử cán bộ trực tiếp mang phiếu bằng phương tiện nhanh nhất và bỏ vào hòm phiếu tại Nhà Quốc hội, trước 15h ngày 29/6 tới.

V. Thắng

Theo ông Phạm Trường Dân, trong nhiệm kỳ vừa rồi khá nhiều luật đã được trình ra QH thảo luận và được thông qua. Nhiều dự án luật đã đi vào cuộc sống, thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội cũng như củng cố quốc phòng- an ninh, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên các lĩnh vực. Tuy nhiên cũng có một số bất cập khi còn một số dự án luật chưa được kỹ, ĐBQH tham gia không được nhiều, việc góp ý không được toàn diện. Cho nên có dự án luật không khả thi, sau một thời gian thực hiện cho thấy nhiều bất cập khiến không đi vào cuộc sống phải sửa đi sửa lại gây phản cảm cho người dân, doanh nghiệp, làm cho người dân cảm thấy việc xây dựng luật còn mang tính hình thức.

Nhận định về các dự án luật được Chính phủ trình ra, ông Dân cho rằng còn có dự án luật chưa sát với cuộc sống, chưa đến thời điểm áp dụng đã bộc lộ bất cập. Cho nên theo ông Dân, tất cả các dự án luật phải thảo luận kỹ, chưa thảo luận kỹ, chưa chín muồi thì dứt khoát chưa thông qua, để lại tiếp tục thảo luận.

Nhìn nhận về việc đóng góp xây dựng luật của các ĐBQH, ông Dân cho rằng, thời gian thảo luận cho mỗi ĐBQH khi góp ý cho dự án luật ở hội trường là 7 phút, nhưng thảo luận ở tổ là không giới hạn. Thời gian như vậy là hợp lý nhưng các ĐBQH phải lựa chọn vấn đề để góp ý, chứ bao quát hết cả dự án là không nổi. “Cố gắng chọn từng vấn đề thấy đang còn vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để còn tham gia góp ý kiến sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập. Những điểm nghẽn đó cần được ĐBQH chú ý để mổ xẻ tham gia góp ý như thế mới tháo gỡ được khó khăn để luật đi vào thực tiễn”- ông Dân nhấn mạnh. Theo ông Dân, đầu tiên Ban soạn thảo phải chuẩn bị cho kỹ, vì khi đưa ra QH thì vì thời gian hạn hẹp, ĐBQH cũng khó có thể góp ý được hết, dẫn đến luật đạt chất lượng chưa cao, khiến nhiều cái không thực hiện được.

Cũng theo ông Dân, một dự án luật bao giờ cũng được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước khi thông qua. Nhưng nhiều khi số lượng ĐBQH tham gia tại một số dự án luật chưa được nhiều lắm. Quan trọng là vấn đề thảo luận tại tổ, các ĐBQH cần cho ý kiến một cách thấu đáo; đồng thời Ban soạn thảo phải tiếp thu chỉnh sửa khi thấy hợp lý. Ban soạn thảo cũng nên định hướng đưa ra các vấn đề còn vướng mắc để ĐBQH tập trung góp ý, như vậy mới hiệu quả.

Từ đó, theo ông Dân, QH khóa XIV cần cố gắng nghiên cứu cho kỹ, nhất là trong giai đoạn tới số lượng luật được ban hành theo tinh thần cụ thể hóa Hiến pháp mới là khá nhiều, chưa kể nhiều luật phải sửa đổi bổ sung. Muốn nâng cao chất lượng luật, ông Dân cho rằng, đầu tiên phải từ ĐBQH. Do đó ĐBQH phải tham gia góp ý, nâng cao khả năng nghiên cứu. Bởi nhiều khi tham gia không kỹ, nhiều người không dám phát biểu, ngại phát biểu nên làm cho luật không đảm bảo chất lượng, không được sâu, mạnh ở lĩnh vực nào thì cố gắng nghiên cứu sâu, chọn lọc vấn đề của luật để nghiên cứu.

Văn bản sai sót, Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng

Tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ diễn ra tuần trước, nhằm nâng cao công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản. Không phải chạy theo số lượng mà phải là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điện kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới. Văn bản nào mà sau này ban hành có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

H.Vũ(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng luật phải sát với cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO