Ngày 20/7, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ III Ban Thường vụ Tổng hội Y học Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, giao ban về công tác tổ chức, phát triển Hội của các Hội chuyên khoa Trung ương và các Hội Y học khu vực phía Bắc. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng tham dự, có GS.TS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.
Bảo vệ người hành nghề y tế
Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, Tổng hội Y học Việt Nam đã tham gia tích cực công tác phản biện và giám định xã hội trong khuôn khổ các hoạt động do UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế chủ trì; Phối hợp với Bộ Y tế trong tư vấn, phản biện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, vệ sinh phòng dịch, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng hội Y học Việt Nam đã phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Y tế hoàn thành đánh giá nhanh sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại 4 tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, An Giang góp phần đưa các quyết nghị để quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT. Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện, trong đó có chất lượng xét nghiệm.
“Tổng hội Y học Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc thường niên và nhiều hội thảo khoa học khác. Tổ chức tập huấn về y đức, y học và truyền thông giáo dục sức khỏe cho cán bộ y tế tại Bắc Giang, Hải Phòng, Huế, Lai Châu. Phối hợp với Bộ Y tế và Hội Y học địa phương tiến hành Hội thảo chuyên đề nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa của hội viên của Tổng hội tại 5 tỉnh, thành phố”, bà Xuyên nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu.
Từ nay đến cuối năm 2017, Tổng hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức và phát triển hội; nâng cao vai trò của Tổng hội trong công tác tư vấn, phản biện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở y tế tư nhân đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổ chức đánh giá chất lượng bệnh viện theo tiêu chí của Bộ Y tế và công bố chất lượng bệnh viện.
Đặc biệt, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, chuẩn bị các chuyên đề và công tác tổ chức hội thi của Hiệp hội Y học các quốc gia Đông Nam Á…
Chia sẻ với hội nghị trong công tác thực hiện bảo hiểm y tế, GS Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, bảo hiểm y tế đang là vấn đề cấp thiết, chính sách của Chính phủ chỉ đạo là giao quyền tự chủ cho bệnh viện nên giá phí chữa bệnh rất cao và bảo hiểm chỉ có thể chi trả một phần nào đó.
“Vừa rồi phí bảo hiểm xã hội tăng nhưng đó là vấn đề bắt buộc theo chính sách của nhà nước và người dân chưa thực sự hiểu rõ được mục đích của việc này”, ông Trọng nhấn mạnh.
Bàn về việc hành nghề của các bác sĩ, GS Phạm Văn Khải, Chủ tịch danh dự Hội Tim mạch Việt Nam bày tỏ băn khoăn về việc bảo vệ bác sĩ trước những rủi ro nghề nghiệp, điển hình như câu chuyện bác sĩ Lương tại Hòa Bình. Việc người nhà bệnh nhân đánh y bác sĩ nổi lên trong thời gian gần đây cũng cho thấy đạo đức xã hội đi xuống.
“Tổng hội Y học Việt Nam cần có ý kiến để Luật hóa việc này để mọi người yên tâm công tác” - GS Khải để nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Tổng hội Y học Việt Nam tiếp tục có những đóng góp xứng đáng đối với vai trò ý nghĩa nhân văn của Tổng hội...
Đóng góp vào thành tích chung ngành y
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Tổng hội Y học Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp với tôn chỉ, mục đích hoạt động hết sức ý nghĩa, nhân văn.
Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Tổng Hội đã quy tụ được giới thầy thuốc có kinh nghiệm trong chuyên môn và quản lý của ngành y. Các tổ chức và hội viên của Tổng hội Y học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, có những đóng góp to lớn vào thành tích chung cho sự nghiệp phát triển nền y học, y tế nước nhà vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đến nay, Tổng hội Y học Việt Nam đã tập hợp được 48 Hội chuyên khoa Trung ương, 54 Hội Y học địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của Tổng hội, trong đó có những công việc hết sức quan trọng như: Truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức hội nghị tập huấn về y đức, y nghiệp cho hội viên tại các tỉnh, làm tốt công tác nghiên cứu khoa học và hội nghị khoa học; tham gia góp ý, tư vấn phản biện, giám định xã hội và đã xây dựng bộ công cụ giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế công lập và tư nhân…
”Đặc biệt, Tổng hội là thành viên nòng cốt, tích cực, quan trọng trong Chương trình phối hợp giám sát số 42 về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam ký kết thực hiện từ ngày 10/9/2014” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam tặng hoa Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Cụ thể, trong năm 2016, Tổng hội Y học Việt Nam đã phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế năm 2016 tại 07 đơn vị ở Hà Nội. Qua chương trình phối hợp giám sát, Tổng hội đã góp phần đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh đi vào cuộc sống.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Tổng hội trong thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Tổng hội Y học Việt Nam tiếp tục có những đóng góp xứng đáng đối với vai trò ý nghĩa nhân văn của Tổng hội, đó là: Chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của nhân dân, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong thời gian tới, Tổng hội Y học Việt Nam tập trung vào 5 vấn đề: 1. Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Tổng hội, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, quy tụ và phát huy khả năng của giới thầy thuốc, của các hội viên để xây dựng Tổng hội ngày càng có uy tín. 2.Tiếp tục tổ chức tập huấn bộ công cụ giám sát thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế; tổ chức giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong Chương trình phối hợp giám sát số 42 về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, Tổng hội Y học Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, kinh phí đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ sở y tế trong năm nay và các năm tiếp theo. 3. Nghiên cứu thành lập hội đồng chuyên gia để đánh giá độc lập, khách quan, khoa học về chất lượng bệnh viện trong đó có công tác xét nghiệm tại các bệnh viện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là việc cần thiết và cần làm liên tục trong nhiều năm nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở nước ta. 4. Chủ động phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ công cụ để tổ chức giám sát việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt dùng thuốc Việt”. Giám sát các địa phương, các cơ quan, bệnh viên việc thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện giám định xã hội. 5. Nghiên cứu việc thành lập hội đồng chuyên gia để đánh giá việc sử dụng Qũy Bảo hiểm y tế và đề xuất các giải pháp sau cho việc sử dụng Quỹ có hiệu quả cao. |