Một trong những biện pháp giúp nông dân làm giàu chính là xây dựng được thương hiệu cho nông phẩm. Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào xây dựng, sự việc không hề đơn giản. Gần đây, tại một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản đã được chú ý hơn.
Nhân giống sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.
Tỉnh Kon Tum được biết đến là địa phương trong vùng Tây Nguyên có nhiều loại đặc sản. Trong đó, nổi bật là sâm Ngọc Linh, cà phê Đăk Hà, gạo đỏ, rượu cần, sim Kon Plông, măng khô, chuối rừng, sơn tra, mật ong rừng... Có thể nói, nếu triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm đặc trưng”, thì với Kon Tum không thật khó.
Tuy nhiên, việc thay đổi chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi phương thức sản xuất đã định hình từ rất lâu. Đáng chú ý, tự bà con xây dựng thương hiệu cho nông sản của mình thì hết sức khó khăn, vì đó không thể là chuyện đơn lẻ của một vài hộ nông dân. Muốn xây dựng được thương hiệu nông sản, nhất là đặc sản, thì cần rất nhiều yếu tố. Vì khi nông sản đó đã là sản phẩm thương mại thì nó phải được thị trường chấp nhận. Nếu không, khi hàng hóa ế ẩm, rớt giá, người chịu hậu quả sẽ chính là nông dân.
Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản tuy bắt đầu từ nông dân - những người trực tiếp sản xuất - nhưng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, của doanh nghiệp, để tạo thành một vòng tròn khép kín cho một loại sản phẩm. Trên thực tế, tại nhiều địa phương, chính quyền cấp xã chưa nhận thức rõ vấn đề này, nên sự vào cuộc chỉ mang tính vận động mà không có những bước đi hỗ trợ người nông dân một cách thích hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ngại ngần khi đầu tư cùng địa phương, cùng người nông dân xây dựng các thương hiệu nông sản. Vì rằng, vốn đầu tư vào lĩnh vực này lâu thu hồi, việc bán các mặt hàng này cũng không dễ bởi nông sản (kể cả đặc sản) vẫn chưa thực có được uy tín rộng rãi.
Đến nay, đa số các sản phẩm được khách hàng tìm đến vẫn chỉ là do “hữu xạ tự nhiên hương”, người này giới thiệu với người khác chứ chưa được khách hàng tìm đến do uy tín thương hiệu.
Theo Sở Công thương Kon Tum, sở dĩ người dân và doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm là do nhiều cơ sở chưa thấy được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc sản xuất các sản phẩm đặc sản, nông sản vẫn chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến chưa nhiều dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu đồng nhất, thiếu ổn định.
Nói rộng ra, thực tế ấy không chỉ ở Kon Tum, mà còn khá phổ biến với các tỉnh Tây Nguyên. Chúng ta vẫn nói Tây Nguyên trù phú, nhiều đặc sản rất đặc biệt, nhưng tại thời điểm này vẫn ít có sản phẩm nào bán rộng rãi ở các thành phố lớn trong phạm vi cả nước.
Vì thế, trở lại vấn đề, xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc sản là điều cần phải được nhìn nhận một cách rõ ràng; cùng đó phải là quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận nhiều hơn tới lĩnh vực nông nghiệp, để tháo gỡ rào cản cho hàng hóa, cùng bà con nông dân làm giàu từ chính những sản phẩm đặc hữu của mỗi địa phương.