Chiều ngày 20/6, tại tỉnh Bình Phước, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả kiểm tra và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện QCDC cụm các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.
Tới dự buổi làm việc có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương; ông Điểu Kré, Ủy Viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; đại diện Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội; đại diện Bộ Tư pháp; đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía Lãnh đạo tỉnh có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả, phân tích những khó khăn, hạn chế, trao đổi kinh nghiệm, kiến nghị, đề ra các giải pháp lãnh đạo, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ tháng 1/2016 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các tỉnh, thành phố cụm miền Đông Nam bộ đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương bà Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị.
Trong 2 năm 2016-2017, các tỉnh miền Đông Nam bộ đã thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân tạo sự chuyển biến tích cực. Điển hình như tỉnh Đồng Nai, trong hai năm, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã thực hiện 3 cuộc đối thoại trực tiếp với hơn 500 hộ dân, 100% đơn vị cấp huyện, xã, khối sở ngành tổ chức đối thoại, thành lập tổng đài 1022 giải đáp thông tin, phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; cấp xã tỉnh Bình Thuận tổ chức 183 cuộc đối thoại; Bà Rịa - Vũng Tàu quy định sáng thứ bảy hàng tuần các cơ quan hành chính tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, tổ chức tiếp, đối thoại với 26.599 lượt công dân... Qua đó, góp phần xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất, bức xúc từ cơ sở, từng bước củng cố niềm tin của dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Một số ban chỉ đạo như Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động tham mưu với cấp ủy ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…
Ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Ở Bình Dương, làm đường, điện đều có sự đóng góp từ dân. Bình Dương còn duy trì được Hội đồng hòa giải cơ sở nên đã giải quyết được trên 90% vụ việc ngay tại gốc. Thực hiện nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân để giải thích, trao đổi với dân để góp ý, rút kinh nghiệm. 100% xã thực hiện nghị định có điểm tiếp dân, có trang bị cơ sở vật chất hiện đại để tiếp dân. Chỉ số cải cách hành chính đứng trong top 5, các chỉ tiêu về đất đai, môi trường được đánh giá hài lòng”.
Ông Lộc đề nghị nên bắt buộc người đứng đầu phải tiếp dân, giải quyết những vụ việc khiếu kiện kéo dài. Lãnh đạo nào ủy quyền cho cấp dưới nhiều quá cần phê bình, để thực hiện đúng tinh thần chính quyền “Do dân, vì dân”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Triều, Trưởng Ban Dân vận tỉnh Tây Ninh đề nghị, để thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cần kỷ luật hoặc cách chức nếu lãnh đạo làm chưa tốt.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Đông Nam Bộ là một trong những vùng trọng điểm về nhiều mặt của đất nước, với các chỉ số cao, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh.
Quang cảnh Hội nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, các tỉnh, thành Đông Nam bộ cần có những biện pháp tuyên truyền nhằm phản bác những thông tin sai trái, kích động. Tăng cường nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân; Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cần gần dân hơn nữa, sẵn sàng hỗ trợ nhằm giải quyết bức xúc của nhân dân. “Cần quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, cán bộ bám từng nhà, từng người dân, bởi thực tế đã có tình trạng xa dân. Cần công khai mọi hoạt động, đặc biệt là những vấn đề “nóng” như đất đai, giải phóng mặt bằng, làm sao để người dân không bị thiệt thòi”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện Quy ước, hương ước tại cộng đồng. Chính quyền cần quan tâm các kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể, nhất là tại các kỳ họp của Quốc hội, HDND.
Bà Trương Thị Mai đánh giá, thực hiện QCDC ở các tỉnh miền Đông Nam bộ đã có sự thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức của mỗi cán bộ, mỗi người dân, đó là xu hướng đúng vì nếu cán bộ làm sai, người dân có thể kiểm chứng được rất nhiều kênh thông tin khác nhau.
Người dân đã tham gia nhiều hơn đến công việc của Đảng, chính quyền; công nghệ thông tin đã tạo cơ hội để người dân tham gia góp ý vào nhiều lĩnh vực, trong đó có QCDC. Hòa giải cũng được thực hiện ở nhiều nơi; việc công khai minh bạch ngày càng nhiều, tích cực hơn.
“QCDC phải đi vào thực chất, có như vậy thì người dân sẽ tin tưởng. Thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp, đặc biệt đại diện thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên nếu làm tốt sẽ rất hiệu quả. Phải tiếp thu những ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân”- Bà Mai gợi ý.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần đứng ra vận động nhân dân, giải quyết những vấn đề khiếu kiện, bức xúc. Làm sao để quá trình phát triển của đất nước có sự đóng góp của người dân thông qua QCDC.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Quang cảnh Hội nghị.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.