Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Xây dựng văn hóa chống lãng phí

Mai Loan 22/10/2024 10:41

Trong bài viết “Chống lãng phí” được đăng tải ngày 14/10/2024 trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm không chỉ chỉ ra những biểu hiện của lãng phí mà còn nêu rõ những nguyên nhân dẫn đến lãng phí, từ đó nêu lên 4 giải pháp cấp bách, căn cơ để phòng chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay.

Bài viết chỉ rõ: Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Điều đó cũng có nghĩa cần xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mà muốn văn hóa này lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thì trên hết, trước hết nó phải được định hình và phát triển bền vững trong mỗi công sở, mỗi doanh nghiệp; trong mỗi một đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Bởi, mỗi một cơ quan nhà nước hàng năm được giao quản lý hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước. Ngân sách ấy là đóng góp của cả xã hội, của toàn bộ nền kinh tế, thậm chí được lấy từ tiền thuế của nhân dân đóng góp. Nếu chỉ lơ là một chút thôi, công sức, mồ hôi nước mắt của hàng triệu người có thể sẽ đổ sông, đổ bể.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy lãng phí tuy âm ỉ nhưng sức tàn phá của nó đủ bào mòn mọi nỗ lực, và nó cũng là một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) từng đề nghị: Cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người về thực hành tiết kiệm và quyết tâm chống lãng phí.

Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc chống lãng phí, nhưng thật đáng tiếc “căn bệnh” này vẫn không được chữa trị tận gốc. Cũng có nghĩa là muốn xây dựng được ý thức, văn hóa chống lãng phí còn cần rất nhiều quyết tâm. Từ những việc rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, cho đến từng cơ quan, đơn vị, bộ ngành, địa phương cũng phải hình thành bằng được văn hóa này. Hoàn toàn có thể “chỉ tên” sự lãng phí tồn tại dai dẳng trong không ít lĩnh vực, vụ việc cụ thể. Trong đó có việc tái định cư di dân khỏi vùng thiên tai (hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai), hay là lấy đất xây dựng công trình trọng điểm quốc gia; Nhà nước đầu tư lớn lo cho dân được an cư lập nghiệp, nhưng do nơi ở mới không phù hợp, cơ sở hạ tầng yếu kém, người dân lại trở về nơi ở cũ. Những khu tái định cư mới xây dựng nhưng đã sớm trở nên hoang hóa.

Hay là chuyện đầu tư cho những công trình thoát nước, chống ngập đô thị. Có dự án tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng dây dưa kéo dài nhiều năm. Ngập lụt vẫn “đến hẹn lại lên”, chẳng khác nào đồng vốn đầu tư bị “ngâm trong nước”...

Cần xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành việc tự giác, tự nguyện, như “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Từ đó mới có thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của nhà nước, công sức của nhân dân. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí gắn với trách nhiệm đạo đức xã hội cùng thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Đó là điều cần phải làm ngay, phải làm liên tục, lâu dài, không lúc nào lơi lỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng văn hóa chống lãng phí