“Huế- không tiếng còi xe” là thông điệp kêu gọi mọi người sử dụng còi xe hợp lý, nâng cao văn hóa ứng xử trong giao thông. Sau thời gian triển khai, cuộc vận động nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP Huế.
Tuyên truyền về ý nghĩa và mục đích cuộc vận động “Huế- không tiếng còi xe” đến các tài xế.
Năm 2017 tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai cuộc vận động “Huế- không tiếng còi xe” nhằm kêu gọi người tham gia giao thông sử dụng còi xe hợp lý, hạn chế tiếng ồn ở đô thị, nâng cao văn hóa ứng xử trong giao thông. Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Huế trở thành đô thị du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất giao làm đấu mối tổ chức thực hiện.
Đến nay cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị…trên địa bàn tỉnh. Người dân cho biết rất đồng tình, ủng hộ các nội dung của chương trình và tiến hành dán logo cuộc vận động trên phương tiện cá nhân, bao gồm ô tô và xe máy. Ghi nhân tại các trục đường ở TP Huế, logo “Huế - không tiếng còi xe” ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Một điều dễ nhận ra là những xe có gắn biểu tượng này thường đi chậm và ít bóp còi hơn.
Là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng “Huế - không tiếng còi xe”, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vận động các doanh nghiệp vận tải cùng 9 hãng taxi trên địa bàn thực hiện việc dán logo cuộc vận động trên xe. Không dừng lại ở đó, các tài xế còn được tham gia nhiều buổi tuyên truyền về ý nghĩa và mục đích của cuộc vận động này. Sau khi tiến hành tập huấn, tài xế đã dần thay đổi việc bấm còi xe theo hướng giảm và hợp lý hơn. Mặc dù chưa thể loại bỏ hoàn toàn việc bấm còi, song ý thức các tài xế được nâng lên, không bấm còi vô cớ, không lạm dụng việc bấm còi.
Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết về cuộc vận động này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thiên Định cho biết: “Huế - không tiếng còi xe” hướng đến hai mục tiêu căn bản là nâng cao văn hóa và an toàn giao thông. Qua đó, tạo ra thương hiệu, sức hút cho du lịch thông qua việc làm cho du khách thấy thân thiện, an toàn hơn.
Cho đến nay, một số công việc cụ thể đã thực hiện giai đoạn đầu như phổ biến, truyền đạt mục tiêu cuộc vận động, tạo sự đồng thuận và tự nguyện tham gia hưởng ứng cuộc vận động trong xã hội. Theo đánh giá chung, cuộc vận động mặc dù ở bước khởi đầu nhưng đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình và ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức. “Bản thân tôi gần một năm nay đã thử lái xe với thói quen không bấm còi và thấy thật sự đổi khác. Khi điều tiết được hành vi bấm còi, người lái xe sẽ đi cẩn thận hơn, quan sát kỹ hơn, nhường nhịn hơn, không phóng nhanh vượt ẩu. Như thế tai nạn sẽ ít hơn và đó chắc chắn là điều tốt đẹp mà cuộc vận động mang lại”- ông Định chia sẻ.
Vẫn theo ông Định, một điều thuận lợi là cuộc vận động này không phải tốn kém nhiều kinh phí mà phụ thuộc nhiều vào sự ý thức của mỗi người, vì vậy để đạt hiệu quả tốt cần phải có thời gian và rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Tuy đây là việc làm mới và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện, nhưng với sự quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng, cuộc vận động sẽ sớm mang đến những lợi ích thiết thực, xây dựng được một hình ảnh về đô thị Huế văn minh, yên bình, an toàn, thân thiện với du khách.
Trong bối cảnh giao thông trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia, là nền tảng cho sự phát triển bền vững…, yêu cầu phải hình thành được văn hóa giao thông trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Để xây dựng được văn hóa giao thông đòi hỏi cả cộng đồng phải cùng chung tay bằng những việc làm cụ thể. Cuộc vận động “Huế- không tiếng còi xe” sẽ còn nhiều khó khăn. Song nếu có lộ trình thích hợp và bền vững, biết kêu gọi mọi người tham gia giao thông và toàn xã hội cùng đóng góp thì sẽ thành công.