Thời gian qua, mặc dù đã có lệnh cấm xe ba gác, xe tự chế nhưng hàng ngày trên nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội vẫn xuất hiện loại phương tiện này lưu thông, chở công kềnh gây mất an toàn.
Xe tự chế đổ "chổng kềnh" vì chở nặng
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết gần đây, trên tuyến đường Nguyễn Xiển xuất hiện hàng loạt xe tự chế, chở cồng kềnh ngang nhiên hoạt động. Đặc biệt, một vài chiếc xe tự chế còn chở sắt thép dài hàng chục mét được chằng buộc sơ sài băng băng trên đường khiến nhiều người dân "lạnh gáy". Không chỉ vậy, trong lúc PV ghi nhận đã bắt gặp một chiếc xe tự chế chở hàng hóa công kềnh đi vào ngõ 280 Nguyễn Xiển thì bị lật nghiêng, rất may không có ai bị thương.
Những chiếc xe này đa phần đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, bởi theo quan sát, hầu hết các xe đều không đảm bảo về kỹ thuật, không biển kiểm soát, không gương chiếu hậu, thậm chí còn không có còi xe…
Theo chị N.T.T. một cửa hàng bán nước gần khu vực chiếc xe chở cồng kềnh bị lật chia sẻ, ngày nào tuyến đường Nguyễn Xiển cũng có hàng chục, hàng trăm chiếc xe ba gác tự chế chở hàng hóa cỒng kềnh di chuyển qua. Dù đã quá quen với những chiếc xe tự chế này, nhưng nhiều lúc chị T. vẫn cảm thấy "lạnh gáy" khi bắt gặp chiếc xe chở những thanh thép dài hàng chục mét hay chiếc xe chở đồng nát cồng kềnh, chằng buộc sơ sài.
“Thông thường, tôi thấy những chiếc xe này hoạt động nhiều nhất là từ 5-7h sáng còn buổi chiều thì từ 16h30 cho đến 19h, đa phần các xe đều chở cồng kềnh. Đặc biệt, nhiều xe chở đồng nát chất cao vài mét, gặp gió to các món đồ phế liệu rung lắc nhìn rất sợ, chẳng biết xe sẽ lật ngửa lúc nào. Còn có những chiếc xe chở thanh sắt, hộp kẽm… dài hàng chục mét cứ phi ầm ầm ngoài đường, rất nguy hiểm” chị N.T.T. cho hay.
Anh Nguyễn Đình Long trú tại Cầu Giấy cho hay, nhiều khi đi trên đường anh cũng cảm thấy ớn lạnh trước các xe ba gác chở cồng kềnh phóng nhanh vượt ẩu. “Có những hôm tôi thấy một số chiếc xe chở thép dài dần chục mét kéo lê trên nhiều tuyến đường nhưng chẳng ai xử lý cả. Vì vậy, những chiếc xe này ngày nào cũng băng băng trên từng tuyến đường của Thủ đô. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý triệt để những trường hợp vi phạm, để người dân an tâm hơn mỗi khi ra đường” anh Long nói.
Hình ảnh những xe máy chở hàng cồng kềnh, lưu thông trên đường phố Hà Nội không còn là chuyện xa lạ. Từ nhiều năm nay, các xe này là phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biến, tiện lợi để luồn lách trong ngõ nhỏ ở các quận trung tâm.
Chiều 15/5, ghi nhận tại đường Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm), xe máy chở hàng hóa cồng kềnh có đủ loại. Từ xe chở gạch xây dựng, chở thùng cát-tông cao ngất ngưởng, chở đồ gỗ vừa cao vừa nặng... Cá biệt, có trường hợp chở nhiều bao tải bỏng ngô nặng đến 200kg, chất cao 2,5m gây mất an toàn giao thông.
Đại diện Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, trong thời gian vừa qua, thực hiện kế hoạch của Phòng CSGT Hà Nội, Đội thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường trọng điểm xử lý trường hợp xe máy chở hàng hóa cồng kềnh gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường.
“Mặc dù tình trạng trên có giảm, nhưng tài xế thường lợi dụng thời điểm lực lượng xử lý mỏng để vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt, họ tìm mọi cách để né tránh việc xử phạt của lực lượng chức năng”, đại diện Đội CSGT số 1 cho biết.
Chi phí rẻ lợi nhuận cao
Theo các chuyên gia giao thông, bên cạnh một bộ phận người dân thật sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh, thì có không ít những hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh đồ gỗ ở các làng nghề… cố tình sử dụng xe thô sơ, xe ba gác tự chế. Bởi những chiếc xe này có giá thành khá rẻ, lại dễ dàng len lỏi trong từng con ngõ nhỏ do không bị hạn chế khung giờ đi lại như xe ô tô tải.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tình trạng xe chở hàng hóa cồng kềnh, không đảm bảo an toàn không chỉ diễn ra tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn phổ biến trên khắp các địa phương cả nước.
“Đối với hành vi điều khiển xe tự chế, lắp ráp trái quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, theo quy định tại điểm b Khoản 3, điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP” - Luật sư Trần Xuân Tiền cho hay.
Luật sư Tiền cho rằng, chế tài xử phạt tiền đối với những hành vi vi phạm nêu trên vẫn còn khá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà những hành vi vi phạm này có thể gây ra. Chính vì vậy, thực tế hiện nay còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân cố tình vi phạm luật, chấp nhận bị cơ quan chức năng xử phạt để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển đồ.
Theo một số người lái xe tự chế chở vật liệu, nếu dựng mới một chiếc xe ba bánh để chở vật liệu xây dựng chỉ mất tầm 40-60 triệu đồng tùy vào độ to nhỏ của xe. Còn mua lại những chiếc xe đã cũ chỉ mất từ 20-30 triệu đồng là có thể chạy được. Thông thường, mỗi chuyến hàng chở đi có thể kiếm được 200-400 nghìn đồng tùy vào quãng đường xa hay ngắn. Mặt khác, xe chỉ cần đổ xăng vào là chạy không cần phải thường xuyên bảo dưỡng nên chi phí vận hành rất rẻ.
Có thể thấy rằng, việc đầu tư những chiếc xe tự chế có giá thành rẻ, tiện lợi trong khi thu nhập cao nên nhiều người biết vẫn cố tình vi phạm.
Một số hình ảnh mà PV ghi nhận: