Quốc hội

Xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tác động một số chính sách mới

Quang Vinh, Việt Thắng 29/10/2024 20:09

Nhiều đại biểu thống nhất đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Chiều 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Cả 2 dự án Luật trên đều đã được Chính phủ trình vào sáng cùng ngày.

z5978668527073_82c239cba08d64b71ca191c9eae0899c.jpg
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3 (Ảnh: Quang Vinh)

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự phiên thảo luận tại Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Ngãi.

z5978670097273_ec2c24957c1a5f3d06ba67a6c89a0b63.jpg
Bà Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Liên quan đến dự án Luật “1 luật sửa 7 luật”, ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) kiến nghị, đối với Luật Ngân sách nhà nước cần bổ sung thêm quy định các tỉnh có thu từ thuế xuất nhập khẩu tăng cao hàng năm thì trung ương nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tỉnh hưởng phần tăng thu này. Qua đó, tạo điều kiện cho các tỉnh có nguồn thu, tái đầu tư phát triển kinh tế xã hội, cũng như tỉnh có thêm động lực thu, góp phần đóng góp vào ngân sách cho đất nước.

z5978737243336_bba76fd24545d353712d7f05b966a945.jpg
Bà Trần Thị Hồng An phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Trần Thị Hồng An (Đoàn Quảng Ngãi) nhất trí phải sửa đổi ban hành Luật “1 luật sửa 7 luật” để thể chế hoá chủ trương của Đảng trong các lĩnh vực như: chứng khoán; kế toán; kiểm toán độc lập; ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý thuế; dự trữ quốc gia

Bà An nhìn nhận, việc sửa đổi luật kịp thời sẽ tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên theo bà An, do luật tác động đến rất nhiều vấn đề, lĩnh vực, trong đó có vấn đề ngân sách Nhà nước cho nên cần xem xét một cách kỹ lưỡng, nhất là một số chính sách mới chưa được đánh giá hết tác động. Do đó cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung làm rõ các vấn đề mới, đồng thời có các Nghị định quy định chi tiết thực hiện đi kèm để sau khi ban hành luật có thể thực hiện được ngay.

Bà An cũng đề nghị ban soạn thảo cần lưu tâm tới vấn đề dòng vốn ngoại chảy vào thị trường, đa dạng hoá các nhà đầu tư để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

z5978737219129_cbc1068cf2a1d70fe72b11a13d4d79ff.jpg
Ông Trần Văn Tuấn phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong vấn đề đầu tư, vốn đang được coi vấn đề “nóng”. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này sẽ tạo cơ hội cho phát triển cho các địa phương, cho đất nước. Do đó, đối với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định. Các dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định, còn các dự án nhóm B, C thì giao cho địa phương.

Ông Tuấn đánh giá việc phân nhóm đối với các nhóm A,B, C giúp phân cấp để cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định dự án giúp tạo thuận lợi cho quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư dự án. “Có sẵn mặt bằng thì địa phương rất mong chờ để cho các nhà đầu tư đến yên tâm đầu tư”-ông Tuấn cho hay.

ĐB Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cũng nêu rằng, Luật Đầu tư công cần phải sửa đổi, nhưng nên cân nhắc chỉ sửa đổi những vấn đề mang tính cấp bách. Bà Lịch bày tỏ, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua như dự án nhóm A. Trong đó, quy định 6 năm phải hoàn thành thực hiện nhưng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 được xây dựng từ năm 2015, đến nay đã 9 năm mà vẫn tồn đọng đầu tư công nhóm A. Đến nay Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng mới giải ngân được 57%, vì thời gian thi công kéo dài nên phải điều chỉnh dự toán và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đây đều là dự án quốc gia và liên vùng. Do đó những nội dung gì vừa qua thấy bất cập, khó khăn thì cần sửa đổi, đưa vào luật để có thể thực hiện được ngay

z5978767514676_28c7122a1c782a6aca7e0caddd27af5b.jpg
Bà Nguyễn Vân Chi phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Từ quá trình thẩm tra cả 2 dự án Luật trên, ĐB Nguyễn Vân Chi (Đoàn Nghệ An) cho hay, Luật đầu tư công đã thay đổi cơ chế phân loại các dự án nhóm A,B, C dựa trên tăng trưởng GDP. Tuy nhiên cần phải bổ sung, đánh giá tác động tiêu chí các nhóm A,B,C để thấy có bao nhiêu dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội, bao nhiêu dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng, và bao nhiêu dự án thuộc thẩm quyền HĐND các tỉnh quyết định.

Bà Chi cũng cho biết, "thẩm định nguồn vốn" chính là linh hồn của Luật đầu tư, qua đó chống được tình trạng đầu tư tràn lan, mỗi tỉnh một tý dẫn đến đầu tư tràn lan, không hiệu quả.

z5978844335444_16d9f720ed1be61987fd1bec4ace2b37(1).jpg
Ông Trần Quang Phương phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc đưa 2 dự án Luật trên vào chương trình Kỳ họp lần này là đòi hỏi từ thực tiễn. Do đó cái gì cần thiết, cấp bách mới đưa vào sửa đổi để xử lý những khó khăn, ách tắc hiện nay như vấn đề môi trường đầu tư. “Cái gì đã chín, đã rõ, đủ điều kiện thì quy định. Nhiều cái vướng mắc, thực tiễn đã có nhưng làm sao tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quản lý nhà nước và xã hội, không tạo kẽ hở để trục lợi chính sách. Quốc hội quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để tháo gỡ khó khăn nhưng các quy định phải chín, phải rõ, và được đa số ĐBQH đồng tình. Nhất quyết không hợp thức hoá các sai phạm sai phạm có động cơ mang tính vụ lợi”-ông Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tác động một số chính sách mới