Bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam lần đầu được công bố bởi một nhóm khảo sát độc lập đang tạo ra những ý kiến tranh luận. Mặc dù tiêu chí để xếp hạng đã được nhóm nghiên cứu đưa ra rất rõ, gồm đào tạo - nghiên cứu khoa học - cơ sở vật chất và quản trị nhà trường. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào những tiêu chí này đã đủ để xếp hạng các trường ĐH? Những số liệu nhóm thu thập được có hoàn toàn đáng tin cậy? Có nên xếp chung các loại hình trường khác nhau: ĐHQG, ĐH vùng, các trường ĐH đơn lẻ để
Sinh viên trên giảng đường đại học. Ảnh: T.L.
Bảng xếp hạng - lợi hay hại?
Ở Việt Nam hiện nay, trong điều 9 của Luật GDĐH đề cập đến phân tầng và xếp hạng ĐH. Chúng ta đã có Nghị định 73/NĐ-CP về việc phân tầng và xếp hạng ĐH được ban hành cuối năm 2015. Tuy nhiên, việc này mới đang được từng bước tiến hành. Hiện chưa có bất cứ bảng xếp hạng chính thức nào của các cơ quan chức năng được công bố theo Nghị định 73.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 30-6-2017, có 245 cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm và TC sư phạm hoàn thành tự đánh giá; có 46 trường đã được đánh giá ngoài, trong đó có 30 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Về các chương trình, cả nước có 63 chương trình đã được kiểm định theo chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN); 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI); 2 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ - tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET), 7 chương trình theo các bộ tiêu chuẩn khác (ACBSP và FIBAA).
Nhìn nhận về việc công bố bảng xếp hạng ĐH của nhóm Xếp hạng ĐH Việt Nam, GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc một nhóm làm việc phi lợi nhuận và độc lập công bố bảng xếp hạng ĐH- như thông tin nhóm công bố- trước hết là một việc làm đáng hoan nghênh. Từ đó, thúc đẩy nhiều nhóm có cùng chung ý tưởng này trao đổi, cùng kết hợp làm việc. Tuy nhiên, về mức độ tin cậy của bảng xếp hạng thì còn phải bàn.
Chung quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, mỗi tổ chức xếp hạng đều đưa ra các tiêu chí khác nhau.
Còn theo TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM), việc xếp hạng ĐH giống như “con dao 2 lưỡi”, đặc biệt là nếu phương pháp và cách xử lý không khách quan và đúng đắn thì không phản ánh năng lực thực sự của các trường. Đây là vấn đề của không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều bảng xếp hạng khác nhau trên thế giới cũng gặp phải tranh cãi mỗi lần công bố. Đối với bảng xếp hạng lần này, TS Ly đặt câu hỏi về vấn đề độ tin cậy của dữ liệu đến đâu?
Dữ liệu thực mà… ảo?
Theo TS Lưu Quang Hưng- đại diện nhóm xếp hạng, chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH nằm chủ yếu ở các sản phẩm mà nó tạo ra, đồng thời một phần khác ở nguồn lực giúp nó tạo ra các sản phẩm đó. Sản phẩm của cơ sở giáo dục ĐH quan trọng nhất ở tri thức đóng góp cho xã hội (đo bằng kết quả nghiên cứu đã công bố, đề tài khoa học...), và nguồn nhân lực chất lượng cao mà trường đào tạo được cho xã hội (đo bằng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, giảng viên/sinh viên, chất lượng đầu vào...). Tiêu chí chất lượng quản trị nhà trường gắn với cơ sở vật chất là quan trọng.
Chính vì vậy, nhóm đã thu thập, tổng hợp và sử dụng số liệu về cán bộ, sinh viên và cơ sở vật chất từ nhiều nguồn công khai, trong đó đặc biệt dựa vào báo cáo ba công khai của Bộ GD&ĐT, là tiền đề về số liệu để xây dựng bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, tại một hội nghị về giáo dục ĐH với sự góp mặt của đại diện gần 300 trường do Bộ GD&ĐT tổ chức đầu năm 2017, ông Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã thẳng thắn chỉ ra “có hiện tượng “3 công khai” trên website có thể rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy, có thể phần nào coi là đánh lừa xã hội, cần phải quan tâm”.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về “Minh bạch và công khai thông tin trong giáo dục ĐH của Việt Nam” cũng chỉ ra mặc dù Bộ GD&ĐT có quy định “3 công khai” với Bộ nhưng lại không áp dụng bất kỳ hình phạt nào đối với những trường không tuân thủ quy định, kể cả trường hợp nộp chậm lẫn “không nộp gì cả”. Ngoài ra, không có cơ chế đánh giá, giám sát và xử phạt phù hợp… thậm chí có thông tin cho rằng Bộ không đưa ra bất kỳ phản hồi/đánh giá nào về các báo cáo “ba công khai” mà các trường nộp cho Bộ.
Ảnh minh họa.
Chính TS Lưu Quang Hưng cũng thừa nhận, mặc dù có Nhóm số liệu trong tay nhưng “không thống nhất, không đáng tin cậy và không cập nhật”. Một bảng xếp hạng được xây dựng bằng những con số định lượng nhưng trong bối cảnh này, nguồn dữ liệu đã “có vấn đề” thì độ tin cậy đến đâu là một câu hỏi lớn.
Đây cũng là vấn đề TS Phạm Thị Ly đặt ra cho các Nhóm xếp hạng khi trong số nguồn dữ liệu quan trọng mà nhóm tác giả thu thập có báo cáo từ các trường - những báo cáo tự đánh giá này được một chuyên gia kiểm định nhận định chắc chắn là không đúng.
“Nếu xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy. Nếu kết quả không đáng tin cậy thì hệ quả là gì? Ta góp thêm vào bức tranh nó đang tốt xấu lẫn lộn, có thể những người làm không tốt nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu. Đó là vấn đề phải suy nghĩ và đương đầu”- TS Ly nêu vấn đề.
Một chỉ số quan trọng mà nhóm xếp hạng thừa nhận đã không đưa vào bảng xếp hạng, đó là kết quả việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng ra trường. Nguyên nhân là vì chỉ thu thập được thông tin từ 15 trong số hơn 100 trường tiến hành khảo sát.
Đối với số liệu về bài báo và trích dẫn, một chỉ số quan trọng dẫn đến nhiều trường ĐH trẻ có mặt ở top đầu của bảng xếp hạng như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân… trong khi nhiều trường ĐH khối kinh tế như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân… bị xếp hạng dưới, được nhóm thống kê từ trang web cơ sở dữ liệu khoa học WOS; website thông tin chính thức của trường; thông tin cung cấp trực tiếp bởi nhà trường.
Nhưng như một giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội băn khoăn, hiện nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 2.300 cán bộ, trong đó có khoảng 700 cán bộ phục vụ giảng dạy và phòng thí nghiệm. Vì vậy, nếu chia số bài báo cho 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể công bố quốc tế được. Việc tính toán số bài báo trên giảng viên chưa phù hợp.
Theo chia sẻ của nhóm xếp hạng, nhóm sẽ sớm công bố nhóm dữ liệu gốc của các trường cũng như nguồn dữ liệu nhóm đã tính toán sẽ để các trường kiểm tra cũng như những người quan tâm theo dõi.