Nhiều năm nay, mỗi kỳ xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT lại trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận.
Liên quan đến việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (sửa đổi), những tranh cãi quanh việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại bùng nổ. Mở rộng đối tượng được xét tặng danh hiệu nhưng những tồn đọng xoay quanh tiêu chí xét tặng danh hiệu cho “nghệ sĩ biểu diễn” vẫn kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Có nên mở rộng đối tượng "sáng tạo văn hoá" đến nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia
Việc mở rộng đối tượng xét tặng được cho là giải quyết một số vướng mắc trong xã hội khi cứ mỗi đợt trao giải lại xuất hiện nhiều ý kiến về tính công bằng. Đồng thời, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong xây dựng tiêu chí xét tặng sao cho việc vinh danh đúng và trúng để mang tính chất động viên, khích lệ, tôn vinh.
Thế nhưng, dự thảo lại tiếp tục gây tranh cãi khi có ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ khi đưa vào quy tặng xét tặng danh hiệu, vì hai đối tượng được dự thảo đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu là nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia - là đối tượng xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, nên nếu đưa vào xét danh hiệu NSND, NSƯT e rằng không phù hợp, cần phân định rõ nếu không dễ dẫn đến chồng chéo.
Về vấn đề này, NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết không đồng ý đưa đối tượng mới gọi là “sáng tạo văn hóa” để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, bao gồm nhạc sĩ sáng tác và nhiếp ảnh gia.
“Chúng ta cần quan tâm đến lực lượng nhạc công tại các đơn vị chuyên nghiệp, không chuyên và cơ sở. Nhạc công là những người trực tiếp diễn tấu. Họ cống hiến thầm lặng cả đời mà vẫn chưa có giải thưởng, danh hiệu gì để tôn vinh, tôi cho rằng lực lượng này cần trao tặng NSƯT, NSND” - NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.
Cùng với vấn đề trên, dự thảo cũng gây tranh cãi khi việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT mở rộng đối tượng xét tặng dành cho “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.
Báo cáo ghi nhận ý kiến của các hội chuyên ngành về đề xuất các nội dung liên quan đến đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì có đến 6/9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương không có đề xuất gì. Cụ thể, bao gồm: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Thậm chí, 3 hội còn lại có đề xuất đối tượng xét tặng danh hiệu, cụ thể như Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đề xuất đối tượng là tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng là nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng là nghệ sĩ sáng tác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh. Việc từ chối và chủ động đề xuất của các hội này cho thấy việc mở rộng đối tượng xét duyệt danh hiệu đang tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Nghệ sĩ đã được phong tặng nhưng cư xử thiếu chuẩn mực thì sao?
Tính đến nay đã có 10 lần xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT nhưng cứ mỗi mùa xét duyệt lại trở thành đề tài tranh cãi trong dư luận. Cách đây 5 năm, trong đợt xét tặng, việc nghệ sĩ Giang Châu, Minh Vương, Thanh Tuấn bị gạt khỏi danh sách, trong khi các nghệ sĩ xếp sau cả về thâm niên làm nghề và sản phẩm nghệ thuật lại nghiễm nhiên có tên trong danh sách gây xôn xao dư luận, khiến cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho các nghệ sĩ.
Mặt khác, nhiều nghệ sĩ đã có danh hiệu được phong tặng nhưng không ý thức được việc có được điều cao quý. Họ quảng cáo sai sự thật, bình luận, đăng tải phát ngôn trên mạng thậm chí còn dưới cả phông văn hóa chung, chệch chuẩn về đạo đức gây ra bức xúc trong dư luận.
NSƯT Đức Hải với phát ngôn và hình ảnh phản cảm trên mạng xã hội; NSƯT Kiều Thanh với loạt phát ngôn công khai là người thứ ba, cổ vũ đàn ông "ngoại tình" khi ra nước ngoài...
Đó cũng là lý do, NSƯT Lê Thiện dù buồn và bất ngờ khi không được xét NSND nhưng bà vẫn quyết không làm đơn xin xét lại và sẽ không bao giờ làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu NSND nữa.
“Đối với tôi, NSND là nghệ sĩ được nhân dân yêu mến và được cống hiến hết mình với nghề, vậy là đủ. Nhiều NSND chắc gì đã được nhân dân biết đến họ là ai, sản phẩm của họ là gì. Tôi thấy rất hạnh phúc vì ở tuổi này còn được làm việc, được cống hiến. Bạn bè cùng lứa của tôi nhiều người đã qua đời. Vậy mà tôi còn sống. Tôi thấy vậy là mình may mắn lắm rồi. Bây giờ tôi chỉ mong cầu sức khỏe, bình an để tiếp tục được đóng phim, đi diễn, vừa để mưu sinh, vừa mang nghệ thuật làm đẹp cho đời", nghệ sĩ Lê Thiện bày tỏ.
Không phủ nhận, những nghệ sĩ thật sự ưu tú, nghệ sĩ của nhân dân đều đáng được công chúng ghi nhận. Sự ghi nhận là món quà ý nghĩa với người làm nghề. Nhưng, điều đó không có nghĩa cơ quan quản lý văn hóa nhà nước thiếu cân nhắc trong việc ban hành các quy định liên quan đến việc xét danh hiệu NSND, NSƯT. Lắng nghe, thấu hiểu và chỉnh sửa sẽ giúp nghệ sĩ có thêm niềm tin, động lực sống hết mình với đam mê nghệ thuật, cống hiến cho công chúng.