Một số trường đại học vừa công bố xét tuyển ngành y khoa bằng các tổ hợp có môn Văn với quan điểm người học tốt môn Văn có nhiều thuận lợi khi học y. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, việc đưa môn Văn vào tổ hợp 3 môn để xét tuyển sinh viên ngành y là chuyện lạ chưa từng thấy, như vậy chúng sẽ đào tạo ra một loại bác sĩ chỉ biết… đọc sách. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trước vấn đề y đức đang xuống cấp, các trường đã mạnh dạn đổi mới bởi khoa học nhân văn sẽ là nền tảng ứng xử giữa con người với con người.
Thận trọng trong tuyển sinh
Những ngày qua, dư luận nóng lên bởi mùa tuyển sinh 2023 - 2024, trong 27 trường đại học (ĐH) đào tạo ngành y khoa ở Việt Nam, có 4 trường ĐH dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển, gồm: Trường Văn Lang (TPHCM), Duy Tân (Đà Nẵng), Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Tân Tạo (Long An). Việc một số trường ĐH tư thục trong số các trường khối sức khỏe dùng điểm môn Văn xét tuyển vào ngành y, dược đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Việc dùng các tổ hợp "lạ" để tuyển sinh ngành y được GS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐHQG Hà Nội) khuyến cáo: Riêng với đào tạo bác sĩ thì đầu vào rất quan trọng, rất ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, nên phải rất thận trọng trong tuyển sinh.
Không đồng thuận với việc một số trường đại học trong số các trường khối sức khỏe dùng điểm môn Văn xét tuyển vào ngành y, dược, PGS.TS Trần Minh Chất - Học viện Cảnh sát nhân dân, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm tuyển sinh bày tỏ: Nếu xét tuyển ngành y bằng tổ hợp có môn Văn thì sẽ đào tạo ra một kiểu bác sĩ chỉ biết… đọc sách mà không biết chữa bệnh. Do đó, không nên xét tổ hợp có môn Văn để học y khoa, bởi người học không có năng lực về các môn Toán, Hóa, Sinh thì không thể chữa bệnh. Bởi vì ngành y là ngành có chuyên môn sâu, liên quan đến tính mạng con người. Tôi cho rằng mỗi người có một tố chất, mỗi người có một loại trí tuệ khác nhau. Xin nhắc lại những người không có tố chất về Toán, Hóa, Sinh thì không nên học ngành y, như vậy rất hại cho xã hội.
Từng là giảng viên Lý luận và phê bình văn học của Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), nay giữ vị trí Giám đốc nhân sự và Marketing Công ty CP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên - PGS.TS Cao Thị Hồng nhìn nhận: Nếu các trường đào tạo ngành đưa được các môn khoa học nhân văn, mà đặc biệt là môn Văn học vào giáo dục sẽ là sự đổi mới trong chương trình bởi khoa học nhân văn được lan tỏa và thấm vào trong văn hóa ứng xử của nhân viên y tế là điều rất tốt. Bởi, muốn có ý thức, nhân viên y tế phải được giáo dục phông văn hóa, phông văn hóa ấy lại nằm ở những môn khoa học xã hội nhân văn.
Theo PGS.TS Cao Thị Hồng, từ trước đến nay trong đào tạo giáo dục, kể cả phần lớn trong hệ thống các trường đại học khác, người ta chỉ quan tâm đến xây dựng đào tạo ngành nghề, mà không chú ý đến khoa học nhân văn sẽ là nền tảng ứng xử giữa con người với con người. Đặc biệt khoa học nhân văn, trong đó có môn Văn sẽ giúp cho chất lượng giáo dục đào tạo được bài bản, toàn diện. Tất cả các trường đại học hàng đầu trên thế giới rất quan tâm đến khoa học xã hội nhân văn, họ giáo dục về văn hóa, nghệ thuật… để ra trường sinh viên xử lý tình huống đời sống dễ dàng.
“Với những trường đại học trong số các trường khối sức khỏe dùng điểm môn Văn xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm nay, nên nhìn theo cách đó là sự đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Tất nhiên qua chương trình phổ thông các thí sinh đã được đào tạo về văn chương. Dù vậy với chương trình học văn hiện nay, theo tôi cần rà soát lại vấn đề dạy văn, học văn trong nhà trường”, bà Hồng nói.
Cho rằng, đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y là cảm tính, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương gợi mở, ngành y muốn tuyển đúng người thì phải có viết luận để kiểm tra năng lực ngôn ngữ, tư duy, sự phong phú trong tâm hồn của các bác sĩ tương lai. Mặt khác cần có phỏng vấn để xác thực và kiểm tra các năng lực thể hiện qua cử chỉ, nét mặt, tiếng nói, phản xạ giao tiếp. Vì vậy, xét điểm thì không có ích nhiều vì điểm thi không phản ánh hết, đúng, đầy đủ năng lực thực sự, nhất là trong bối cảnh môn Văn được dạy rất khuôn mẫu ở trường phổ thông hiện nay.
Liên quan tới việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành y. Bộ Y tế nói các trường có quyền đưa môn Văn vào tuyển ngành y nhưng đề nghị làm rõ cơ sở khoa học của việc này. Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, lãnh đạo Bộ băn khoăn trước việc các trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vì chưa rõ căn cứ và cách thức tuyển sinh đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới chất lượng đào tạo.
Ông Long cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị quan tâm tới chất lượng tuyển sinh khối ngành sức khỏe. Nếu thấy cần thiết, ông sẽ tham mưu để Bộ Y tế gửi công văn sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị làm rõ việc tuyển sinh của các trường.
Bệnh nhân mong gặp bác sĩ biết chia sẻ
Còn với người trong cuộc thì sao? TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân giải thích, trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y từ năm 2022, sau khi tham khảo ý kiến của nhà tuyển dụng và kinh nghiệm đào tạo. Các lãnh đạo bệnh viện mong tuyển được bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Đây cũng là nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hùng Vĩ - Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) nhìn nhận: Tuyển sinh ngành y bằng điểm Văn bởi xã hội đòi hỏi ngày càng cao với bác sĩ, ngoài chuyên môn cần có thái độ tốt, khả năng lắng nghe, chia sẻ. Vì thế, họ cần có kỹ năng truyền đạt, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân. Và những tố chất của người học giỏi môn Văn rất cần thiết cho công việc này.
Đề cao y khoa là nghề đặc biệt và việc tuyển chọn người phù hợp với ngành này cũng rất quan trọng, theo ông Nguyễn Mai Lâm - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, bác sĩ không chỉ chữa bệnh cho bệnh nhân bằng kiến thức, kinh nghiệm mà đôi khi còn là các liệu pháp tâm lý, sự giao tiếp đồng cảm, chia sẻ. Những điều này sẽ được đào tạo tại trường cho tất cả sinh viên y khoa. "Người học tốt môn Văn thông thường sẽ có sự nhẹ nhàng và đồng cảm, khả năng giao tiếp tốt. Đó là lý do chúng tôi chọn xét tuyển tổ hợp có môn Văn. Dĩ nhiên hai môn Toán, Sinh được xem là môn liên quan nhiều nhất đến ngành Y cũng có trong tổ hợp này", ông Lâm nói.
Dù vậy, ông Đinh Đức Hiền - giáo viên dạy môn Sinh học thuộc Hệ thống giáo dục HOCMAI thẳng thắn chỉ ra: việc bổ sung môn Văn không có ý nghĩa thực sự với ngành y, mà chỉ đơn thuần là gia tăng cạnh tranh, thu hút thí sinh ở những trường đang khó khăn trong tuyển sinh. Cụ thể hơn, việc tuyển sinh như vậy sẽ có nhiều điều đáng lo ngại. Bởi ngành y không chỉ cần người giỏi mà cần người rất phù hợp, để theo đuổi được ngành y thì năng lực học tập là không thể đủ, ngành y cũng không phải ngành để đào tạo đại trà. Việc bổ sung các tổ hợp môn khác nhau, thậm chí môn Văn vào xét tuyển chỉ cho thấy sự loay hoay trong xét tuyển của ngành y.
Trở lại vấn đề nâng cao y đức, một trong những lý giải của các trường đại học xét tuyển ngành y khoa bằng các tổ hợp có môn Văn, PGS.TS Trần Minh Chất cho rằng, vấn đề y đức không liên quan đến chuyên môn. Y đức liên quan đến văn hóa, đời sống. Nếu muốn chấn chỉnh y đức trong ngành y hiện nay, phải mở rộng y tế tư nhân, bên cạnh đó ngành y phải đảm bảo vấn đề tự chủ của bệnh viện. Đồng thời, ngành y phải loại thải tất cả các bác sĩ không đủ chuyên môn, không đủ y đức ra khỏi ngành. “Y đức không tự nhiên có được mà phải do sự tự rèn luyện, trau dồi và nó buộc phải thấm ở trong mỗi con người làm ngành y”, ông Chất bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá, việc các trường đại học đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y là đổi mới, đột phá. Thế nhưng, bất kỳ sự đột phá nào cũng tiềm ẩn rủi ro, cần quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh "trăm hoa đua nở", xuất hiện nhiều tổ hợp lạ vào ngành y. Bởi trong đào tạo ngành y, chất lượng sinh viên, chuyên môn là hai yếu tố quan trọng nhất. Để thận trọng hơn, các trường chỉ nên coi môn Văn là tiêu chí phụ khi xét tuyển hồ sơ đầu vào.