Pháp luật

Xét xử cựu Chủ tịch Vimedimex: VKS khẳng định việc bắt giữ bị cáo Loan là khẩn cấp, đúng pháp luật

Văn Thanh 19/04/2024 16:59

Đối đáp với luật sư tại tòa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) khẳng định việc bắt giữ đối với bị cáo Nguyễn Thị Loan là khẩn cấp, được tiến hành đúng pháp luật.

Ngày 19/4, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex cùng 10 bị cáo trong vụ án sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất tại Đông Anh (Hà Nội) tiếp tục với phần đối đáp và nghị án kéo dài.

xet-xu-cuu-chu-tich-vimedimex-vks-khang-dinh-viec-bat-giu-bi-cao-loan-la-khan-cap-dung-phap-luat.png
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Cựu Chủ tịch Vimedimex kêu oan

Trong vụ án này, VKS cáo buộc bị cáo Loan đã dùng 3 công ty thuộc hệ thống của mình đi đấu giá đất tại Tiêu Dương (Đông Anh, Hà Nội) và dùng các phương thức để “dìm giá” đấu thầu đất, gây thiệt hại 135 tỷ đồng cho Nhà nước.

Tại phiên tòa hôm nay, dù được đề nghị cho hưởng án treo, bà Loan khẳng định bản thân bị vu khống, kết tội oan; cho rằng bị cáo không phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, bị cáo bị “vu khống, đổ tội”, phủ nhận cáo buộc chỉ đạo cấp dưới dùng chiêu trò “dìm giá” đất và cho rằng hồ sơ vụ án có “20 bút lục lời khai giả” bởi tên của điều tra viên tại biên bản không phải điều tra viên lấy cung; chữ ký tại các biên bản này cũng không phải của bị cáo.

Về 3 công ty tham gia đấu giá, bị cáo Loan cho biết bản thân chỉ có 20% cổ phần tại mỗi doanh nghiệp nên cáo trạng khi quy kết “3 công ty đều của bị cáo Loan, chịu chỉ đạo của bị cáo Loan” là không đúng.

Trên thực tế, bị cáo không có vai trò, quyền hành chỉ đạo 3 doanh nghiệp này.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch Vimedimex cho rằng, khi bà chịu tạm giam, có người làm giả phiếu thu chi, tài liệu liên quan.

Tại phần bào chữa cho bị cáo Loan, luật sư nêu quan điểm, việc bắt giữ người phụ nữ này có dấu hiệu "vi phạm nghiêm trọng" thủ tục tố tụng khi quá trình bắt giữ, khám xét đối với bị cáo Loan diễn ra vào ban đêm, lúc 23h30 là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Loan cũng cho rằng, việc định giá khởi điểm để đấu giá đất thấp hơn thực tế thuộc trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý Nhà nước, còn những đơn vị tham gia đấu giá chỉ biết trả giá. Trong khi đó, bị cáo Loan không có vai trò gì để khiến cơ quan Nhà nước “định giá thấp”.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan cũng cho rằng, vụ án cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

VKS khẳng định việc bắt giữ bị cáo Loan là khẩn cấp, đúng pháp luật

Đối đáp trước quan điểm bào chữa của các luật sư và ý kiến của các bị cáo, đại diện VKS khẳng định, việc bắt giữ khẩn cấp đối với bị cáo Nguyễn Thị Loan là đúng pháp luật, việc lấy lời khai bị can ngay sau khi bắt là cần thiết và đây chỉ là lấy lời khai, không phải là hỏi cung.

VKS cho rằng, Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ cấm hỏi cung vào ban đêm chứ không cấm việc lấy lời khai. Thời điểm lấy lời khai bị cáo Loan vào ban đêm như luật sư đề cập, bị cáo Loan khi ấy chưa bị khởi tố bị can.

Về việc các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ mà bị cáo Loan nói rằng bị làm giả, theo công tố viên, những tài liệu này đều có chữ ký của bị cáo Loan, nên không thể nói là giả.

Về việc hồ sơ vụ án có 20 bút lục có chữ ký của điều tra Bùi Đức Hiếu mà bị cáo Loan nói là không phải điều tra viên lấy cung, đại diện VKS đã trích dẫn Quyết định 603 của Cơ quan điều tra đã phân công 27 điều tra viên tham gia nhóm điều tra vụ án này và trong đó có tên điều tra viên Bùi Đức Hiếu đứng ở số thứ tự số 9. Do vậy, điều tra viên Hiếu có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này.

Tại phiên tòa, đa số các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận hành vi đúng như bản cáo trạng đã truy tố, đồng tình với quan điểm của đại diện VKS tại phiên tòa.

Tuy nhiên, có 2 bị cáo kêu oan là Nguyễn Thị Loan và Trần Công Tuyên (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội).

Đại diện VKS đã phân tích 2 điều kiện cần và đủ để xác định hành vi thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá ở vụ án này là cố ý hạ giá, sau đó thông đồng dìm giá dẫn đến thiệt hại vụ án.

Sau phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX tuyên án.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Loan mong HĐXX xem xét đầy đủ, thấu đáo hồ sơ để xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Bị cáo Trần Công Tuyên (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và GPMB thuộc Ban Quản lý dự án Đông Anh) bày tỏ, tất cả hành động của bản thân bị cáo đều xuất phát từ công việc, không có động cơ vụ lợi. Bị cáo Tuyên mong HĐXX đánh giá công tâm, khách quan và có mức án phù hợp cho mình để sớm quay trở lại công việc và cuộc sống.

Các bị cáo còn lại cũng ân hận và mong HĐXX xem xét, xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để trở về với gia đình, xã hội.

Do vụ án có nhiều yếu tố, tình tiết phức tạp nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài và tuyên án vào 15h ngày 22/4.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử cựu Chủ tịch Vimedimex: VKS khẳng định việc bắt giữ bị cáo Loan là khẩn cấp, đúng pháp luật