Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Các bị cáo khai gì tại tòa?

Quang Thành 13/05/2022 16:22

Những sai phạm của các bị cáo khiến nhiều hồ sơ thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được xét duyệt, nhập khẩu vào Việt Nam điều trị cho người bệnh.

Ngày 13/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), TP HCM và một số tỉnh thành khác.

Tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn các bị cáo khác liên quan vụ cho lưu hành thuốc giả.

Theo cơ quan truy tố, với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý dược, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc, bị can Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, có trách nhiệm chỉ định, điều hành, giám sát hoạt động của bộ phận thường trực đăng ký thuốc theo quy định.

Tuy nhiên, bị can không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được giao, để Phạm Hồng Châu, cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) và bộ phận thường trực đăng ký thuốc có nhiều sai phạm.

Bị cáo Phạm Hồng Châu, cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc.

Cụ thể, theo tài liệu truy tố, ngày 16/5/2010, bộ phận một cửa Văn phòng Cục Quản lý Dược tiếp nhận hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin, mang nhãn mác Health 2000 Canada do Công ty Vimedimex (con) đứng tên đăng ký.

Ông Trương Quốc Cường có bút phê chuyển tới Phạm Hồng Châu, Cựu Trưởng phòng Đăng ký thuốc về việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc nói trên. Bị cáo Châu có bút phê trên công văn, chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Anh phối hợp và bà Vũ Bạch Dương (cả 2 cùng là chuyên viên của Phòng Đăng ký thuốc) nghiên cứu giải quyết theo chủ trương chung.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Châu, các đối tượng đưa hồ sơ 2 thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin ra thẩm định sớm trước gần 1.000 hồ sơ thuốc khác không đúng quy định, cho thấy sự ưu tiên không có lý do chính đáng đối với Công ty Vimedimex.

Đưa thêm tài liệu trái quy định vào hồ sơ 2 thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin sau khi nhóm chuyên gia đã đề nghị không cấp số đăng ký.

Không những vậy, bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (chuyên viên của Cục Quản lý Dược) còn viết thêm, sửa chữa biên bản thẩm định từ "không cấp" sang "bổ sung hồ sơ"; đề nghị cấp số đăng ký trong khi hồ sơ không đủ điều kiện theo quy định, không đảm bảo nguyên tắc làm việc tập thể, khách quan của nhóm thẩm định.

Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường tại phiên tòa xét xử.

Hành vi của các bị cáo khiến cho một lượng lớn thuốc giả nhãn mác Health 2000 được xét duyệt, nhập khẩu vào Việt Nam điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài ra, tài liệu truy tố cũng thể hiện, hồ sơ 2 thuốc trên không được hợp pháp hóa lãnh sự khi đưa ra thẩm định.

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Hồng Châu cho biết, bút phê như vậy để 2 chuyên viên phối hợp với nhau, chức năng giải quyết là của các chuyên viên. Việc đưa ra thẩm định sớm là của chuyên viên.

Tại thời điểm đó, bị cáo không biết chuyên viên đưa ra đã thẩm định sớm và cũng không được báo cáo lại việc đưa hồ sơ ra thẩm định sớm.

Về việc tẩy xóa biên bản thẩm định, bị cáo Phạm Hồng Châu khai có biết nhưng tưởng việc xóa đó là sự thống nhất của các bên liên quan.

Trả lời HĐXX về những sai phạm như trên, bị cáo Trương Quốc Cường nhận trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế mong tòa xem xét, bởi ông không được báo cáo.

"Cách đây hơn 10 năm, bị cáo là người chỉ đạo xác minh sự việc, nhưng thông tin phản hồi không rõ ràng. Tôi có trao đổi thì các phòng chức năng không có phòng nào tham mưu cho tôi là có thể thu hồi được...”, bị cáo Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi tại sao không đình chỉ lưu hành thuốc giả dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Các bị cáo khai gì tại tòa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO