Ngày 21/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) “nóng” lên với đề nghị của luật sư nguyên đơn OceanBank (mới): Không trả lại những khoản tiền do các bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch nộp khắc phục hậu quả, trả khoản tiền này cho OceanBank quản lý, sử dụng.
Không phải cứ muốn đòi là được
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank mới) là nhóm luật sư gồm: Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Văn Đại và Nguyễn Thị Bắc. Mở đầu lời phát biểu của mình, Luật sư Nguyễn Đình Hưng bày tỏ cảm thông với các bị cáo, song vì là người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn dân sự nên buộc phải nói để “truyền đạt” những góc khuất pháp lý tới HĐXX, chứ hoàn toàn không có ý định buộc tội các bị cáo.
Luật sư Hưng khẳng định, căn cứ Quyết định 663 của NHNN về việc mua 100% cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương do Nhà nước sở hữu, thì OceanBank (mới) lúc này kế thừa toàn bộ quyền, cũng như nghĩa vụ gánh vác thiệt hại của OceanBank dưới thời Hà Văn Thắm. Theo lẽ đó, OceanBank (mới) hoàn toàn có đủ tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Và với việc “đương nhiên” là nguyên đơn dân sự của vụ đại án kinh tế này, Luật sư Hưng bắt đầu nhẩm tính số tiền mà các bị cáo phải trả cho OceanBank (mới).
Luật sư Hưng cũng khá hài hước khi xin phép HĐXX cho sử dụng cụm từ “thất thoát tài sản” thay vì cụm từ “thiệt hại” hay “hậu quả”. Luật sư Hưng tính: Căn cứ bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao, khoảng thời gian 2010 - 2014 OceanBank đã chi lãi ngoài cho khách hàng số tiền 1.576 tỷ đồng, các bị cáo đã hoàn ứng 128 tỷ đồng và 17 tỷ đồng tiền mặt cho OceanBank trước khi bị khởi tố nên nguyên đơn không yêu cầu bồi thường khoản này. Trừ thêm khoản tiền CQĐT tách ra để xử lý vụ án khác, số tiền “thất thoát” giảm xuống còn khoảng trên 1.200 tỷ đồng.
Cũng theo Luật sư Hưng thì việc các bị cáo lấy tiền ở 3 tài khoản để chi lãi ngoài là trái với các quy định của pháp luật. Luật sư này dẫn chứng: Các bị cáo đã rút 925 tỷ đồng từ tài khoản 3612 (tài khoản chi tiêu nội bộ) để chi lãi ngoài. Trong khi theo quy định, tài khoản này chỉ được tạm ứng chi tiêu nội bộ, sau đó phải hoàn ứng bằng tiền mặt hoặc hóa đơn chứng từ hợp lệ, nếu không sẽ bị coi là mất vốn. Tiếp đó, các bị cáo lại rút tiền từ tài khoản 801 (tài khoản trả lãi tiền gửi) để hoàn ứng vào tài khoản 3612, nhưng lại cũng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. “Các bị cáo làm trái pháp luật thì phải có trách nhiệm với hành vi đó, chứ không phải nguyên đơn dân sự muốn đòi là được...” – luật sư Hưng kết luận.
Đề nghị không trả tiền khắc phục hậu quả
Tuy đưa ra khá nhiều lý thuyết kế toán, mọi lập luận để chứng minh rằng các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật với mục đích yêu cầu bồi thường, song luật sư Hưng đại diện cho nguyên đơn dân sự OceanBank (mới) vẫn “tha thiết” đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo hoàn cảnh khắc nghiệt của thị trường ngân hàng vào thời điểm đó, cùng với các tình tiết giảm nhẹ để đưa ra mức án hợp tình hợp lý cho các bị cáo.
Cũng theo luật sư Hưng, cùng phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nhóm 6 bị cáo ở Hội sở lại bị vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án 36-42 tháng tù giam, trong khi nhóm các bị cáo nguyên là GĐ các chi nhánh, phòng giao dịch lại bị đề nghị mức án thấp hơn rất nhiều, vài bị cáo còn được đề nghị án treo. “Nếu kết án như vậy sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của những cán bộ làm việc tại ngân hàng, khẩn thiết đề nghị HĐXX xem xét thấu đáo...” – Luật sư Hưng kiến nghị.
Không chỉ “nhắc” HĐXX về sự chênh lệch mức án giữa nhóm bị cáo ở Hội sở và nhóm bị cáo là lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, Luật sư Hưng cũng không quên đề nghị HĐXX không thực hiện đề nghị của vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa là trả lại các bị cáo nguyên là lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch số tiền họ đã nộp khắc phục hậu quả. Vị luật sư này đề nghị HĐXX giao khoản tiền 137 tỷ đồng mà các bị cáo nộp khắc phục hậu quả cho OceanBank (mới) quản lý và đưa vào sử dụng. ông cho rằng, đề nghị của vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa có sự cảm thông nhưng chưa thấu tình đạt lý...
Bổ sung cho Luật sư Hưng, Luật sư Nguyễn Thị Bắc đồng thuận với quan điểm của đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa và phản bác lời bào chữa của luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn: Đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung đối với Oceanbank, bị cáo Hứa Thị Phấn phải là người chịu trách nhiệm bồi hoàn. “Căn cứ tài liệu điều tra, dù đường đi của khoản tiền 500 tỷ đồng nói trên có lòng vòng, song cuối cùng Hứa Thị Phấn vẫn là người sử dụng nên phải trả đủ cả tiền gốc và lãi. Do đó đề nghị HĐXX kê biên các tài sản đảm bảo để phục vụ thi hành án...” – Luật sư Bắc nêu yêu cầu.
Xung đột lợi ích
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Luật sư Nguyễn Văn Thái đề nghị HĐXX xác minh rõ có thiệt hại hay không có thiệt hại trong vụ án này, nếu có thiệt hại thì tuyên buộc những cá nhân gây ra hậu quả trên phải có trách nhiệm bồi thường. Trong khi các luật sư đại diện cho nguyên đơn OceanBank (mới) đòi toàn bộ số tiền mà các bị cáo sẽ phải nộp sau khi tòa tuyên án, thì Luật sư Hoàng Văn Dũng (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn PVN) lại có quan điểm khác. “Số tiền thất thoát 1.275 tỷ đồng mà luật sư của OceanBank (mới) đã xác định phải có 20% của PVN, bởi với vai trò là cổ đông thì PVN phải có quyền liên quan đến khoản tiền này...” – Luật sư Dũng đòi hỏi.
Ngoài việc yêu cầu phải có quyền lợi của nguyên đơn dân sự PVN trong khoản tiền các bị cáo sẽ phải bồi thường sau khi tòa tuyên án, còn lại Luật sư Dũng đồng ý với quan điểm luật sư đại diện cho OceanBank (mới) về hướng xử lý. Đáng chú ý là trong phần phát biểu của mình, Luật sư Thái đề nghị HĐXX tránh sử dụng những từ ngữ thể hiện PVN đã nhận tiền chi lãi ngoài hay nhận sự chăm sóc khách hàng từ OceanBank trong phiên tòa, nhằm tránh hiểu nhầm của dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của PVN.
Còn theo vị đại diện Công ty CP tập đoàn Đại Dương (OGC), OGC cũng có vai trò tương đương với PVN trong việc sở hữu CP ở OceanBank (cũng chiếm 20% vốn). Do đó, nếu thực sự OceanBank được xác định có thiệt hại thì OGC cũng bị thiệt hại vì là cổ đông chiến lược. Và lẽ đương nhiên là OGC cũng sẽ có quyền với khoản tiền các bị cáo sẽ phải nộp bồi thường sau khi tòa tuyên án. Chưa hết, Công ty VNT cũng sở hữu 20% CP của OceanBank. Vì vậy, vị đại diện công ty này cho rằng: Tổng số tiền 1.576 tỷ đồng không thể thuộc về OceanBank cũ hay OceanBank mới mà thiệt hại này là của các cổ đông OceanBank dưới thời Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT.