Xét xử vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái: Lộ nhiều mâu thuẫn lời khai bị cáo và cáo trạng

Nhóm PV 24/08/2023 22:39

Phần xét hỏi trong phiên xử vụ án Lăng Đức Hân và đồng phạm bị cáo buộc vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ trái phép và khai thác trái phép khoáng sản diễn ra tại TAND tỉnh Yên Bái hôm nay (24/8), đã 'hé lộ' nhiều mâu thuẫn.

Quang cảnh bên ngoài phiên xét xử.
Quang cảnh bên ngoài phiên xét xử.

Liên quan vụ án này, Viện KSND tỉnh Yên Bái đã truy tố nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo Khoản 2, Điều 227 BLHS. Theo đó, bị cáo Đinh Tiến Hùng bị quy kết là người khởi xướng, cùng bàn bạc, tổ chức thực hiện việc khai thác khoáng sản trái phép (khoảng 1.000 tấn quặng chì kẽm được CQĐT định giá hơn 2 tỷ đồng) khi lợi dụng Lăng Đức Hân (Giám đốc Cty Ngọc Tâm, Yên Bái) nổ mìn lấy đá làm con đường vào mỏ quặng của Cty TNHH Tuyên Huy ở xã Cảm Nhân, Yên Bình, Yên Bái vào cuối năm 2020.

Vụ án được coi là nghiêm trọng và có tính chất phức tạp khi Lăng Đức Hân bị cột hành vi vận chuyển và sử dụng 294kg thuốc nổ, còn Đinh Tiến Hùng khi đang là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái thì bị khởi tố bị can với hành vi "Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên".

Dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều tờ báo và giới luật sư đã lên tiếng cho rằng những nội dung thiếu khách quan, vô lý, khiên cưỡng, thậm chí vi phạm tố tụng của CQĐT và Viện KSND tỉnh Yên Bái trong suốt thời gian qua.

Tại phiên toà, khi được HĐXX xét hỏi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng đã tỏ ra bức xúc và phản đối hoàn toàn cáo buộc của Viện KSND tỉnh Yên Bái. “Tại sao tôi phải đi lo cơ chế, quan hệ cho các đối tượng? Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu quan hệ, cơ chế ở đây là gì mà cáo trạng quy kết như vậy”.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng nói rõ không tham gia tổ chức, trao đổi, xúi giục các đối tượng khai thác trái phép, không hề bố trí nhân lực, vật lực khai thác mỏ trái phép, cũng không bàn bạc, trao đổi công việc cụ thể gì với bị cáo Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn (Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Tuyên Huy).

Đáng chú ý, khi tòa hỏi bị cáo Hậu và Tuấn về cuộc gặp tại quán cà phê Đồng Tâm (TP Yên Bái), hai bị cáo này đã mâu thuẫn lời khai. Hậu cho rằng cả anh ta, Đinh Tiến Hùng, Nguyễn Trọng Tuấn đều "ngồi cùng một bàn để bàn bạc vụ khai thác", còn Tuấn lại nói rằng khi vừa ngồi xuống để gọi cà phê thì anh ta có điện thoại gọi đến nên đã chuyển sang bàn khác ngồi, tức cũng không nghe rõ nội dung Hậu và Hùng bàn gì.

Ở chi tiết này, CQĐT sau nhiều lần điều tra bổ sung, Viện KSND sau hai lần trả hồ sơ, thì cũng coi vụ gặp gỡ ở quán cà phê này là "chứng cứ trực tiếp và quan trọng nhất", tuy nhiên chưa có chứng cứ nào nêu rõ nội dung cuộc gặp đó nói về cái gì, không có nhân chứng nào khác nói về cuộc gặp gỡ này.

Trả lời toà, bị cáo Đinh Tiến Hùng khẳng định, cuộc gặp này do bị cáo Tuấn gọi điện đột xuất, không hẹn trước, và anh Hùng chỉ ra khoảng 10 phút (gặp Hậu là bạn học cũ sau hơn 20 năm không gặp lại). Bị cáo nói rõ trước tòa “Vụ khai thác khoáng sản kia là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vậy tôi và các đối tượng có thể bàn bạc ngay và nhanh chóng như vậy ở quán cà phê được không?".

Nguyên cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái khẳng định không hề tác động ai, nhờ vả, xử lý gì ở ở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái - điều mà CQĐT và Viện KSND dẫn lời khai của Hậu và Tuấn "nhờ Đinh Tiến Hùng xử việc liên quan ở sở này" ngay buổi đầu gặp nhau tại quán cà phê.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hậu cũng khai sau khi vụ án được khởi tố mới biết đó là quặng, trước đó chưa nhận thức được, càng cho thấy buổi gặp ở quán cà phê Đồng Tâm không phải là bàn về khai thác quặng. Về chuyện chia lợi nhuận 1/3 và 2/3, Hậu khai mới thống nhất thế, cụ thể chưa bàn bạc bởi hàm lượng quặng quá thấp, không bán ngay được; chưa xác định quặng bao nhiêu, đá bao nhiêu.

Xét hỏi bị cáo Bùi Mạnh Hùng, bị cáo Bùi Minh Đức (vận chuyển thuốc nổ cho Cty Ngọc Tâm của Lăng Đức Hân) không đồng ý là người giúp sức đắc lực vì bị cáo chỉ làm công ăn lương. Đặc biệt chi tiết tòa hỏi "Có cuộc điện thoại gọi đến hỏi máy xúc sửa được hay chưa, thì cuộc gọi đó của ai", Bùi Minh Đức nói rằng "cán bộ điều tra nói rằng đó là cuộc điện thoại của Đinh Tiến Hùng".

Nhận định về lời khai tại toà này, luật sư Đỗ Như Thành (bào chữa cho Đinh Tiến Hùng) cho rằng cán bộ điều tra đã "mớm cung" để Bùi Minh Đức ghi vào lời khai đó là cuộc gọi của Đinh Tiến Hùng, hàm ý Đinh Tiến Hùng đã sốt sắng, lo toan vụ khai thác trái phép. Chứ thực ra khi đó Bùi Minh Đức chỉ nghĩ đó là cuộc gọi của Công ty Tuyên Huy gọi đến.

Tại phiên tòa hôm nay, là bị cáo đầu tiên trả lời xét hỏi của HĐXX, Lăng Đức Hân cho biết, qua bị cáo Đinh Tiến Hùng giới thiệu thì biết Công ty Tuyên Huy.

Về mối quan hệ với vị nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, bị cáo Hân nói chơi với ông Đinh Tiến Hùng từ năm 2014, đó là mối quan hệ bạn bè, không có quan hệ làm ăn, buôn bán, công tác. Hân khai bị cáo Đinh Tiến Hùng khi biết Công ty Tuyên Huy có kế hoạch làm đường thì giới thiệu để Hân gặp Công ty Tuyên Huy.

Bên trong phiên xét xử ngày 24/8.
Bên trong phiên xét xử ngày 24/8.

Theo lời khai của Lăng Đức Hân, sau khi hợp đồng được ký kết với Công ty Tuyên Huy, công ty của Hân đã vận chuyển máy lên thi công tuyến đường. Khi thi công đường thì bị một số người dân gần khu vực ngăn cản.

Vào khoảng đầu tháng 10/2020, khi triển khai làm đường, Hân khai đã xác định không thể nổ mìn trên mặt đường mà phải tiến hành trong hầm lò. Những hầm lò này Hân đã đến xem. Cáo trạng thể hiện có mỏ trên, mỏ dưới, tại tòa, Hân khai quan điểm của bị cáo này lúc đó là 1 mỏ.

Cáo trạng cũng nêu rõ, mỏ trên là của Công ty Tuyên Huy, mỏ dưới là của Công ty Tây Giang, Hân khai quá trình điều tra mới nhận ra là của Công ty Tây Giang, trước đây nghĩ tất cả là của Công ty Tuyên Huy.

Về việc nổ mìn ở các hầm lò, Hân khai được thực hiện vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2020 và việc này giao cho Bùi Minh Đức thực hiện. Về đề xuất cho nổ mìn ở bên trong các hầm lò để lấy đá rải đường, Hân khai thời điểm nổ mìn không biết có quặng hay không, nói chỉ nổ mìn để lấy đá vì lượng đá cần sử dụng nhiều.

Bị cáo Hân cũng khai, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy Nguyễn Trọng Tuấn đồng ý cho Công ty Ngọc Tâm nổ mìn trên mỏ, nhưng nổ đến quặng thì phải dừng lại và Hân nhất trí, chỉ nổ mìn lấy đá làm đường.

Việc nổ mìn, theo Hân khai được thực hiện ở mỏ dưới trước. Khi nổ thì thực hiện theo đúng sự cho phép của Công ty Tuyên Huy, rằng thấy quặng là dừng. Trong quá trình thực hiện, Đức có báo cáo công nhân nói trong đá "hình như có quặng", Hân nói đã chỉ đạo cho để yên lại.

Tại buổi toà, bị cáo Lăng Đức Hân không đồng ý khi bản KLĐT và bản Cáo trạng cho rằng "Đinh Tiến Hùng đã gọi Lăng Đức Hân nhiều lần", mà thực ra Đinh Tiến Hùng chỉ gọi đúng một lần, rằng công việc trên mỏ đá làm đường ra sao.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng "lùn") cũng trả lời HĐXX về mối quan hệ và những trao đổi với Đinh Tiến Hùng, rằng "không bàn bạc gì với Đinh Tiến Hùng về khai thác ở mỏ núi Ngàng, cũng không có chuyện Đinh Tiến Hùng nhờ tìm người khai thác mỏ".

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết có loạt bài viết hành trình kêu oan của bị cáo Đinh Tiến Hùng khi bị cáo buộc “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Sau hơn 2 năm 8 tháng điều tra và truy tố, TAND tỉnh Yên Bái mới mở phiên xét xử sơ thẩm. Ngay từ khi bị khởi tố, bị can Đinh Tiến Hùng đã liên tục viết đơn kêu oan, đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ và chứng minh hành vi vi phạm. Hồ sơ vụ án đã được các cơ quan tố tụng chuyển trả cho nhau nhiều lần, thời gian kéo dài vụ án.

Cụ thể, ngày 4/5/2022, Công an tỉnh Yên Bái ban hành Kết luận điều tra (lần 1) nhưng sau đó, ngày 29/6/2022, hồ sơ vụ bị VKS tỉnh trả lại yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 24/8/2022, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục ra Kết luận điều tra bổ sung (lần 2) nhưng đến ngày 20/10/2022 cũng bị VKS trả lại. Đến ngày 18/12/2022, Công an tỉnh Yên Bái mới có Kết luận điều tra bổ sung (lần 3). Ngày 13/2/2023, VKS tỉnh Yên Bái ban hành Cáo trạng gửi TAND tỉnh, song đến ngày 2/6/2023, cũng bị tòa án trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung...

Nhiều quan điểm pháp lý từ giới luật sư, học giả, chuyên gia luật, đánh giá bản kết luận điều tra và cáo trạng vụ án không khách quan, suy diễn, áp đặt, trọng cung hơn trọng chứng, đặc biệt là việc khởi tố bị can Đinh Tiến Hùng có thể dẫn đến oan sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử vụ án liên quan nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái: Lộ nhiều mâu thuẫn lời khai bị cáo và cáo trạng