Hôm qua 29/11, Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội vừa đề xuất lùi thời hạn xử phạt chưa lắp camera hành trình trên xe ô tô đến sau ngày 31/12/2021 do doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp…
PV: Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ hiện nay mới chỉ có hơn 12% doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp đặt camera giám sát, trong khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày xử phạt doanh nghiệp chưa lắp camera giám sát, thưa ông doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn như thế nào?
Ông Bùi Danh Liên: Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy doanh nghiệp vận tải rất khó khăn trong thời điểm này. Bởi vậy ngày 29/11 tôi đã làm đơn kiến nghị xin Chính phủ lùi thời gian xử phạt lỗi chưa lắp đặt camera giám sát trên xe ôtô với một số lý do sau.
Thứ nhất trong 6 tháng vừa qua các doanh nghiệp vận tải không hoạt động. Bởi vậy, không có doanh thu để chi thường xuyên, không có lương trả người lao động, lái xe bỏ việc, không có tiền đóng bảo hiểm và các loại thuế, phí… Bên cạnh đó các doanh nghiệp vừa phải theo chủ trương chống dịch như chống giặc, vừa phải tham gia không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, khôi phục lại nền kinh tế. Đặc biệt, hàng triệu xe không hoạt động, nằm tại các bãi không có nguồn khách để tăng nguồn thu cho nên ngành vận tải đang ở bên bờ vực là giải thể.
Thứ 2 việc lắp đặt camera giám sát hành trình chỉ có mục đích là quản lý lái xe và quản lý hành khách, số lượng khách lên xuống thì cái đó rất thiết thực. Đối với ngành vận tải chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn về tài chính nếu phải lắp ngay thì e rằng rất khó khăn cho doanh nghiệp. Theo tôi việc lắp đặt các thiết bị trên xe có thiết bị giám sát hành trình vào thời điểm này là chưa có hiệu quả ngay lập tức.
Hiện nay, gần như toàn bộ các chủ đầu tư xe kinh doanh vận tải đều đang gặp khó, doanh thu sụt giảm do dịch Covid-19, thậm chí có giai đoạn xe “đắp chiếu”. Một số chủ xe hiện vay vốn ngân hàng tới 70%, thanh lý bán xe nghỉ chạy trong giai đoạn này cũng khó khăn, “bán không ai mua”.
PV: Trong tháng 11 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành TCVN 13396;2021 về camera giám sát hành trình dùng trên xe ô tô, lộ trình thay thế bằng công nghệ 4G, đến nay các nhà cung cấp thiết bị mới đến cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy hợp chuẩn, theo ông việc gấp rút lắp đặt ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?
Ông Bùi Danh Liên: Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành quyết định về quy chuẩn lắp đặt camera hành trình được gần 1 tháng, trong khi đó thời hạn xử phạt xe không lắp camera khoảng 1 tháng nữa. Bên cạnh đó, các đơn vị lắp ráp phải đến cơ quan nhà nước để đưa mẫu thiết bị lắp đặt đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phải đến khi có giấy chứng nhận hợp chuẩn thì mới được phép lắp đặt trong khi thời gian không còn nhiều, làm thế nào doanh nghiệp kịp thời lắp đặt, nhanh chóng thực hiện được.
Đặc biệt, dù việc lắp đặt camera giám sát hành trình chung với các thiết bị cũ của xe bằng các thiết bị 2G nhưng hiện nay cả nước đang chuyển sang sử dụng thiết bị 4G chúng tôi lại gặp phải khó khăn do công nghệ trên xe bị lỗi thời buộc phải thay thế.
Riêng chi phí lắp đặt một thiết bị camera trên xe ít nhất có giá 5.000.000 đồng và phải đóng thêm tiền duy trì hoạt động của các nhà cung cấp, song, các nhà cung cấp lại phải chuyển về Tổng cục Đường bộ để theo dõi.
Cho nên chúng tôi cho rằng cần có thời gian thêm để chuẩn bị đầy đủ về mặt pháp lý, về mặt quy chuẩn, cho doanh nghiệp hoạt động tốt thay vì cứ cố phải hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt trong vòng 1 tháng doanh nghiệp không thể lắp đặt kịp hơn 1.000.000 thiết bị trên xe.
Theo đó, nếu không kịp thời lắp đặt camera hành trình thì doanh nghiệp bị phạt rất nặng, riêng lái xe đã bị phạt số tiền lên tới 8.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bị xử phạt thêm một lần nữa.
PV: Theo ông cách gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc lắp đặt camera giám sát như thế nào là phù hợp?
Ông Bùi Danh Liên: Tôi cho rằng, các cơ quan tham mưu cũng cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm thời gian để thực hiện.
Theo đó tôi mong Chính phủ tạo tiền đề cho xe lăn bánh để phục vụ mở cửa trường học, phục vụ các khu công nghiệp, mở cửa lữ hành du lịch trong và ngoài nước, nối lại hoạt động logistics để phục vụ xuất nhập khẩu, để cho các doanh nghiệp có nguồn thu phục vụ chi phí vận tải.
Việc để Tổng cục Đường bộ theo dõi hàng triệu chiếc xe trên hàng nghìn, hàng vạn tuyến đường khác nhau thì rất khó khăn thay vì vậy để các chủ doanh nghiệp tự theo dõi nâng cao chất lượng phục vụ vận tải thì tốt hơn. Bên cạnh đó nếu Tổng cục Đường bộ cần những hình ảnh liên quan đến các chuyến xe thì các doanh nghiệp sẽ trích xuất gửi lại.
Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội mong Chính phủ tạo điều kiện lùi lại 1-2 tháng để doanh nghiệp gỡ khó cố gắng lắp camera thiết bị hành trình sớm nhất.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.