Là khách mời chính trong tọa đàm “Ra khỏi màn sương”, Má Thị Di – nhân vật phim “Những đứa trẻ trong sương” – bộ phim được đạo diễn bởi Hà Lễ Diễm, đã có những chia sẻ về mong muốn xóa bỏ định kiến về giới tại đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Ngày 5/7, tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Ra khỏi màn sương”. Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết về phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.
Tọa đàm “Ra khỏi màn sương” nói về những chia sẻ, lát cắt trong cuộc đời hai mẹ con - Chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Hai thế hệ, hai suy nghĩ với những giằng xé, tranh đấu nội tâm sâu sắc để đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai trước những rào cản vô hình đã hằn sâu trong tâm thức của cộng đồng người Mông bao đời qua. Hành trình đi tìm hạnh phúc với đầy đủ đắng cay mặn ngọt được 2 khách mời chia sẻ tại tọa đàm.
Chia sẻ tại tọa đàm, Má Thị Di cho biết em là người dân tộc Mông, sinh năm 2004. Nhân vật từng xuất hiện trong bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã kể lại câu chuyện về hành trình trưởng thành và đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời mình.
Theo tiết lộ, câu chuyện của Di chỉ phản ánh một phần về những định kiến ở vùng dân tộc thiểu số. Bởi tại Sapa – nơi em đang sinh sống, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao đổi phát triển bình đẳng. Trong đó, phải kể đến tập tục như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục “kéo vợ”… đã để lại nhiều hệ lụy trực tiếp và lâu dài cho không chỉ phụ nữ, trẻ em gái mà còn cho cả gia đình và xã hội. Đây chính là những rào cản, những "màn sương" vô hình cản bước chân của người phụ nữ vùng cao trên hành trình đi tìm hạnh phúc.
Vì lẽ đó, đến với tọa đàm lần này, Má Thị Di mong muốn truyền khát khao cùng xã hội chung tay đồng hành với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Má Thị Di hi vọng, trong tương lai nhiều phụ nữ sẽ được đến trường, được thực hiện các quyền bình đẳng như nam giới.
Cũng là khách mời trong tọa đàm, chị Châu Thị Say là mẹ đẻ của Má Thị Di, sinh năm 1982. Giống như những người phụ nữ Mông khác, chị Say cũng trải qua hôn nhân theo truyền thống của mình. Thế nhưng, khi chứng kiến con gái giống mình, với vai trò là người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, bà đã đấu tranh tâm lý, giằng xé nội tâm giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc hay tôn trọng quyết định hạnh phúc của con trẻ.
Lắng nghe những chia sẻ của hai khách mời, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Việt Nam bày tỏ sự biết ơn cũng như cảm thông trước câu chuyện của chị Châu Thị Say và em Má Thị Di.
“Với tôi, Di và Say chính là những người phụ nữ hồn hậu và đầy nghị lực đã bước ra khỏi màn sương của chính mình. Trong không gian sự kiện hôm nay, tôi tin chắc rắng, mỗi đại biểu sẽ có những khoảng lắng cảm xúc của riêng mình. Từ đó, có thể hiểu hơn về những “màn sương vô hình" đang níu chân phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Qua tọa đàm, tôi hi vọng chúng ta hãy cùng khẳng định cam kết chung tay góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa”, bà Nguyễn Thị Tuyết nhấn mạnh.