Xóa định kiến giới trong phát triển lâm nghiệp

Lan Hương 10/10/2023 07:13

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lâm nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò và sự đóng góp về mặt kinh tế của phụ nữ trong các hệ thống sản xuất lâm nghiệp thường bị bỏ qua và đánh giá thấp.

Thúc đẩy bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng ngành lâm nghiệp bền vững.

Thách thức bất bình đẳng giới

Với vai trò là một lĩnh vực quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam đã đặt mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp.

Trong Chiến lược ngành lâm nghiệp cũng nhấn mạnh việc bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp năm 2017 cũng quy định rõ việc bảo đảm không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu do Bộ NNPTNT và Cơ quan Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Viện Lâm nghiệp châu Âu thực hiện vào năm 2023, cho thấy phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của họ thường thấp hơn nam giới; khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam.

Đáng chú ý, phụ nữ vẫn bị thiệt thòi do bất bình đẳng giới trong tiếp cận các lợi ích từ các chính sách và dịch vụ, có thể thấy điều này ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỷ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nữ, công việc vất vả không kém nam giới, nhưng trả lương và chế độ bảo hiểm xã hội vẫn chưa hợp lý.

Tuy nhiên, do những công việc như vậy thường theo vụ việc hoặc mùa vụ, những người đàn ông thường làm việc không có hợp đồng lao động, do đó không có sự bảo vệ của bất kỳ lưới an sinh xã hội nào. Tình trạng này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương hơn phụ nữ vì phụ nữ thường có cơ hội đảm nhiệm các công việc hành chính với hợp đồng lao động ổn định.

Đảm bảo lợi ích bình đẳng từ rừng

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, cả nước hiện có diện tích 14,74 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha, rừng sản xuất 4,57 triệu ha. Với độ che phủ 42,02% tổng diện tích của đất nước, rừng Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. Rừng còn là bể chứa carbon tự nhiên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.

“Hiện cả nước Việt Nam có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng, trong đó có đa phần là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc với những đặc điểm văn hóa, xã hội, truyền thống khác nhau. Chính vì vậy, thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà còn đối với quốc gia” - ông Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bảo, sự tham gia của phụ nữ và nam giới ở các tầng lớp xã hội khác nhau trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ tạo nên sự đa dạng về vai trò, nhu cầu và kinh nghiệm trong ngành lâm nghiệp. Từ những khác biệt này, cần có những chính sách tạo cơ hội công bằng cho phát triển nghề nghiệp của cả phụ nữ và nam giới, đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều nhận được lợi ích bình đẳng từ rừng.

Ông Santiago Alonso Rodriguez - Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhấn mạnh, bình đẳng giới không đơn thuần là vấn đề công bằng xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn tại lâu dài và thành công của ngành lâm nghiệp. Việc thu hút sự tham gia phụ nữ và nam giới từ các tầng lớp xã hội khác nhau vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp đảm bảo tính bền vững của các hành động này trong thực tiễn.

Chia sẻ về lồng ghép giới trong công tác bảo vệ, phát triển rừng tại cơ sở, bà Hoàng Lạc Tú Minh - Kế toán trưởng Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn khuyến nghị: Lồng ghép giới và công bằng giới cần thực hiện thông qua nâng cao nhận thức về giới, xóa bỏ định kiến giới, không phân biệt đối xử. Đặc biệt là cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa định kiến giới trong phát triển lâm nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO