Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xoá đói, giảm nghèo. Việc xóa nghèo thành công của chúng ta đã truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 diễn ra sáng 11/12.
Báo cáo của Chính phủ về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho biết: Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%.
Cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo
Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo” hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới ở một số địa bàn còn cao. Khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư vẫn có nguy cơ gia tăng. Công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.
Huy động mọi nguồn lực, xóa nghèo cho dân
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến chia sẻ giải pháp giải bài toán thoát nghèo cho người dân. Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ thực trạng nghèo của TP và triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, TP HCM đã tập trung huy động và sử dụng các nguồn lực đáp ứng cho mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 với số tiền là 7.040,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi và tín dụng nhỏ có thu hồi là 5.153,9 tỷ đồng, nguồn vốn chi không hoàn lại cho các chính sách giảm nghèo và hoạt động chương trình 1.886,5 tỷ đồng.
Song song với các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng thu nhập, thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm tác động, góp phần kéo giảm các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Lộ trình thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng, các chiều thiếu hụt xã hội cơ bản thực hiện dễ, kéo giảm nhanh thì tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm trước, các chỉ số và chiều thiếu hụt khó thực hiện, cần đầu tư thời gian lâu dài, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, giải quyết dần theo chỉ tiêu hàng năm. Lãnh đạo TP HCM cũng cho biết, tính đến ngày 31/8/2020, TP đã giảm 24.546 hộ nghèo (tỉ lệ kéo giảm 0,99%) và giảm 36.498 hộ cận nghèo (tỉ lệ kéo giảm đạt 1,48%).
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bảy (thôn Khả Đông, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cũng chia sẻ về quyết tâm thoát nghèo của gia đình và sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền, đoàn thể.
Bà Bảy cho biết, vào thời điểm năm 2009, gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khi chồng qua đời, bà phải nuôi 4 đứa con nhỏ cùng bộ mẹ chồng già yếu. Trong lúc cuộc sống bế tắc, bà Bảy được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng. Bà đã dùng số tiền này để quyết định đầu tư vào chăn nuôi và cải tạo ao thả cá.
Sau 4 tháng, đàn lợn đã xuất chuồng lãi hơn 10 triệu đồng, thu nhập màu cũng đủ tiền cho mẹ con sinh hoạt thường ngày. Sau đó, bà Bảy tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại về nuôi lợn thu lãi. Đến cuối năm 2016, gia đình bà đã quyết định làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Từ đầu năm 2020 tới nay, gia đình bà đã thu lãi được 600 triệu đồng. Hiện nay còn 60 con lợn sắp xuất chuồng và hơn 100 con lợn bán mới cho các hộ khác để tái đàn.
“Tôi từng nghĩ, cuộc sống như gia đình tôi đến bao giờ mới có tiền tỉ mà bây giờ giấc mơ đã là hiện thực, có được cơ ngơi chuyển đổi vườn trên, ao dưới, khu chăn nuôi ngăn nắp gọn gàng. Chúng tôi đã thoát nghèo vươn lên, đó là nhờ chính sách hỗ trợ người nghèo hiệu quả và được các cấp chính quyền, ban giảm nghèo của xã, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện giúp đỡ tôi như ngày hôm nay” - bà Bảy chia sẻ.
Nhiệm vụ mang nặng tình người
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong tất cả những trách nhiệm của chúng ta, đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa bậc nhất và mang nặng tình người nhất. Thủ tướng cho rằng, đây là định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thủ tướng nhấn mạnh, hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xoá đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường. Trong đó luôn chú trọng giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Thủ tướng, trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã chứng kiến thiên tai, lũ lụt, bệnh tật, dù còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước.
Thủ tướng nhắc lại tỉ lệ 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội. Đây là mức cao nhất của các nước trong khối ASEAN. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người nghèo, thậm chí lao động ở thành thị thiếu việc làm, thu nhập thấp, chúng ta đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người được trợ cấp từ ngân sách nhà nước với những cấp độ khác nhau. Đây là cố gắng rất lớn, rất thời sự vừa diễn ra.
Dẫn các số liệu về giảm nghèo trong giai đoạn gần đây, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo.
Nêu một số vấn đề cần quan tâm thời gian tới trong công tác giảm nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 với tinh thần xuyên suốt vì một Việt Nam không có đói nghèo. Đây là vấn đề, nhiệm vụ lớn của đất nước ta.
Cùng với đó, cần tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả, ưu tiên nguồn lực nhà nước xây dựng các chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người nghèo.
Thủ tướng lưu ý tới hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí. Các địa phương cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo tại cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền.
Một nhiệm vụ khác được Thủ tướng nhấn mạnh đó là cần tạo điều kiện cho người dân năng động, chủ động hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn. Truyền thông nên tôn vinh, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những tấm gương xuất sắc, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo.
“Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng trái tim. Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị cả nước triển khai phong trào mới, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa.” - Thủ tướng nhấn mạnh.