Dù các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều nhưng tại TP HCM các khu ổ chuột vẫn tồn tại. Vì thế việc xóa những dãy nhà lụp xụp bên kênh rạch đã đến hồi cấp thiết…
Một khu vực nhà ổ chuột ven kênh rạch
chưa được di dời trên địa bàn Q.8, TP HCM (Ảnh: Hồng Phúc).
Vẫn còn 10.000 căn nhà “ổ chuột”
Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong số hơn 17.000 nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố tồn tại từ năm 2015 đến nay thì còn gần 10.000 căn chưa di dời, trong khi hàng năm vẫn tiếp tục phát sinh thêm các nhà lụp xụp không phép.
Trong số này, riêng quận 8 có hơn 9.500 nhà trên và ven kênh rạch, tập trung tại các tuyến kênh Đôi, kênh Bến Nghé, Xóm Củi, Tàu Hũ – Lò Gốm, Ruột Ngựa, kênh Ông Bé,…
Đáng chú ý, đa số các nhà ổ chuột trên và ven kênh rạch hiện nay đều xây dựng không phép và trái phép. Tuy nhiên, vấn đề di dời, giải tỏa, cũng như tái định cư cho các hộ này về nơi ở mới đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là nguồn ngân sách trong ngắn hạn không đủ để đáp ứng ngay. Chẳng hạn, trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm thành phố di dời giải tỏa được khoảng 1.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch ở nhiều quận. Tuy nhiên, kết quả này không đạt so với chỉ tiêu đề ra.
Trên thực tế, từ năm 2006 TP HCM đã có kế hoạch di dời khoảng 15.000 hộ sống ven kênh rạch, nhưng đến nay số di dời được không nhiều, trong khi số hộ xây trái phép phát sinh thêm khá phức tạp.
Theo đại diện Sở Xây dựng TP, số nhà ven kênh rạch xây không phép, sai phép tăng thêm là do chênh lệch số liệu khảo sát trước đây với các số liệu khảo sát hiện tại. Ngoài ra, quá trình thay đổi ranh giải tỏa và hành lang bảo vệ kênh rạch cũng khiến số lượng tăng lên. Ngoài ra, cũng còn khoảng 67 tuyến kênh rạch chưa có số liệu khảo sát, chưa cắm mốc hành lang an toàn, tập trung tại các quận 7, 8, 12.
Nan giải phương án di dời
Trong buổi thị sát dọc tuyến kênh rạch thuộc khu vực quận 8 mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã phải thốt lên: Không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các Sở Ban ngành; các quận, huyện còn tồn tại nhà ổ chuột, nhà tạm bợ ven kênh rạch cần sớm tìm giải pháp để giải quyết tái định cư cho người dân.
Hiện nay riêng địa bàn quận 8 quản lý hơn 9.500 nhà trên và ven kênh rạch, tập trung tại các tuyến kênh Đôi, kênh Bến Nghé, Xóm Củi, Tàu Hũ – Lò Gốm, Ruột Ngựa, kênh Ông Bé,…Hầu hết các căn nhà đều không phép và không đạt các tiêu chuẩn an toàn, tuy nhiên do người dân lấn chiếm đã lâu nên công tác tái định cư cũng phải tính toán nhiều giải pháp.
Trong số này, báo cáo của quận 8 cho hay, trong tổng số hơn 9.500 căn nhà ổ chuột ven kênh rạch thì có đến gần 1.100 căn nhà là nằm hoàn toàn trên kênh rạch và hơn 8.400 căn là nằm ven kênh.
Đáng chú ý, các căn hộ xây dựng không hợp pháp, chủ yếu là các nhà lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Cho đến nay, nhiều hộ vẫn chưa có đồng hồ điện, phải câu điện nhờ, cũng như tình trạng mất vệ sinh trong sinh hoạt, xả thải trực tiếp xuống kênh rạch, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Hiện UBND quận 8 đang tính toán 2 phương án để tái định cư cho các hộ dân ven kênh rạch. Trong đó, phương án 1 là chính quyền sẽ di dời toàn bộ các hộ dân, với tổng mức kinh phí bồi thường di dời, giải tỏa vào khoảng 13.763 tỉ đồng. Phương án thứ hai là di dời giải tỏa nhà lụp xụp của từng khu vực, chẳng hạn dự toán kinh phí di dời giải tỏa nhà ven Kênh Đôi là 2.910 căn, với tổng kinh phí khoảng 3.837 tỉ đồng. Sau đó, tính toán tiếp các phương án tại các khu vực còn lại.
Đại diện lãnh đạo quận 8 cũng cho biết, quận này đang triển khai xây dựng 7 dự án nhà ở tái định cư, với 6.100 căn hộ, tuy nhiên hiện mới có sẵn 252 căn để sẵn sàng đưa các hộ dân về tái định cư. Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, tiến độ xây dựng nhà ở tái định cư để giải tỏa các hộ sống ven kênh rạch như vậy là rất chậm. Quận 8 phải tính toán các giải pháp để kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này, không quá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc trông chờ nguồn vốn viện trợ ODA.
Để kêu gọi được các DN đầu tư xây nhà tái định cư, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo quận 8 cần phải tính toán chính sách khuyến khích phù hợp, mới có thể đẩy nhanh được tiến độ di dời, giải tỏa các hộ dân ven kênh rạch.
“Dự án không thể cứ gắn mác chỉnh trang đô thị là đi vay ODA mới làm được. Cái nào doanh nghiệp tham gia được thì để DN làm, còn lại thì nhà nước làm. Chẳng hạn, thành phố trả lại bằng đất ngay khu vực giải tỏa hoặc ở nơi khác mà nhà đầu tư chấp nhận được”, ông Thăng gợi ý.
Bí thư Đinh La Thăng cũng chỉ đạo các Sở ngành chức năng và UBND quận 8 nên nghiên cứu kêu gọi đầu tư theo mô hình đối tác công - tư nhằm giảm tối đa ngân sách Nhà nước. Thời hạn xây dựng căn hộ mới có thể tính toán cho DN thời gian trong khoảng 4 năm, thay vì phải tới năm 2023 như phương án của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP đã tính toán trước đó. Mục tiêu là đảm bảo nhanh chóng tái định cư cho người dân về nơi ở mới đảm bảo hơn, cũng như thực hiện chỉnh trang đô thị thành phố.
Hiện nay riêng địa bàn quận 8 hiện quản lý hơn 9.500 nhà trên và ven kênh rạch, tập trung tại các tuyến kênh Đôi, kênh Bến Nghé, Xóm Củi, Tàu Hũ – Lò Gốm, Ruột Ngựa, kênh Ông Bé,…Hầu hết các căn nhà đều không phép và không đạt các tiêu chuẩn an toàn, tuy nhiên do người dân ở đã lâu nên công tác tái định cư cũng phải tính toán nhiều giải pháp. |