Dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch kéo dài nhưng theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp đang xoay xở tìm mọi cách để người lao động vui Xuân đón Tết. Mức thưởng Tết năm nay không như kỳ vọng nhưng được doanh nghiệp xem là “tiêu chí” nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội qua đó, giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện các địa phương chưa có báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán 2022. Theo dự báo mức thưởng năm nay khó có đột biến nhưng đáng ghi nhận dù việc thưởng Tết không phải quy định bắt buộc nhưng trước diễn biến khó lường của dịch, thưởng Tết đã được doanh nghiệp xem là yếu tố quan trọng để giữ người lao động.
Không để người lao động không có Tết
Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid-19, nhưng ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 (Hà Nội), cho biết công ty đã quyết định thưởng 1,5 tháng lương cho người lao động (tương tương 11 triệu đồng), thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2021 tăng 8% so với năm 2020.
Cũng theo ông Việt, hiện nay các đơn hàng từ châu Âu, Nhật Bản gia đều tăng. Dự kiến năng lực sản xuất trong quý 4 có thể bù đắp cho quý 3 bị ảnh hưởng của đợt giãn cách. Với sự phục hồi này chưa thể bù đắp những khó khăn trước đó nhưng thưởng tết vẫn được công ty giữ ở mức tăng như trước khi có dịch Covid-19.
Tương tự dù là năm gần như bị đóng băng do ảnh hưởng dịch Covid-19 tuy nhiên trao đổi về mức thưởng Tết cho người lao dộng bà Nguyễn Thị Vân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trường Gia cho biết, chưa năm nào lĩnh vực xuất khẩu lao động lại gặp khó khăn như năm nay, mọi hoạt động của công ty hầu như đóng băng hoàn toàn, nhưng dù khó khăn công ty vẫn cố gắng xoay sở để thưởng Tết cho người lao động. Mức thưởng tết năm nay chắc chắn sẽ chỉ bằng 1/4 năm ngoái nhưng đây đã là cố gắng, nỗ lực rất lớn từ phía công ty.
Nhận định về mức thưởng tết 2022, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào thông báo chính thức tiền thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, hiện đơn vị đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác trong dịp Tết, sớm công khai để người lao động biết.
Được biết với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động. Theo đó Liên đoàn Lao động thành phố sẽ thăm hỏi, trao 10.000 suất quà (1 triệu đồng/suất) đến đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ mức 300.000 đồng/người với lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn.
Cần có chính sách hỗ trợ đột xuất cho người lao động
Dù bức tranh tổng thể về thưởng tết có nhiều tín hiệu khả quan, xong theo đại diện Bộ LĐTB&XH, sẽ có nhiều người lao động không có Tết bởi ảnh hưởng của dịch. Đến nay vẫn có hàng chục nghìn người lao động vẫn phải nghỉ việc không lương vì doanh nghiệp chưa phục hồi sản xuất.
Nhận định về thưởng Tết năm nay, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, mặc dù mức độ hồi phục kinh tế còn chậm, doanh nghiệp rất khó khăn, song vẫn cố gắng có tiền thưởng Tết để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, thưởng tết năm nay sẽ khó có mức cao đột biến và chênh lệch lớn giữa các khối doanh nghiệp. Theo đó, khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì mức thưởng theo doanh số. Còn các doanh nghiệp tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước dù khó khăn sẽ vẫn cố gắng xoay xở có thưởng cho người lao động. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho tất cả người lao động rất cần có chính sách hỗ trợ đột xuất từ Nhà nước, các tổ chức và xã hội
Đồng quan điểm TS Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia về lao động, cũng cho rằng, ảnh hưởng của dịch, đặc biệt làn sóng dịch lần thứ 4 là rất lớn, đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi phục được. Bằng chứng là số lao động thất nghiệp, chưa có việc làm bị giảm thu nhập vẫn tăng. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tết đột xuất cho người lao động.
“Chính phủ có thể huy động nguồn hỗ trợ tết cho người lao dộng từ nguồn xã hội hóa, giống như quỹ hỗ trợ vaccine. Muốn đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh chúng ta cũng cần đầu tư và hỗ trợ người lao động. Mức hỗ trợ có thể chỉ vài trăm nghìn nhưng người lao động sẽ cảm thấy ấm lòng. Đây cũng là cách thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt” - TS Lan Hương đề xuất.
Đánh giá về tình hình chăm lo các chính sách phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là đợt Tết Nguyên đán tới đây, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, nền kinh tế của đất nước đang rất khó khăn. Cả doanh nghiệp và người lao động cũng đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hiện trong giai đoạn phục hồi.
“Qua thực tế mà tổ chức công đoàn nắm được, rất nhiều doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội cao, vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất, chia sẻ lợi nhuận và thậm chí chấp nhận cả việc chưa lãi, hoặc lỗ để có thể giữ chân người lao động và giúp người lao động có một cái Tết cơ bản. Tuy nhiên vẫn sẽ có nhiều doanh nghiệp không thể thưởng vì làm ăn thua lỗ, phá sản. Do đó, năm nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ dành 2.400 tỉ đồng từ nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ tiền tết cho tất cả công nhân lao động tại các doanh nghiệp (dự kiến khoảng 8 triệu người) với mức 300.000 đồng/người. Đối với những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tùy theo hoàn cảnh, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm từ 1 - 2 triệu đồng/người từ nguồn xã hội hóa” - ông Hiểu thông tin.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội cho rằng, trên thực tế, chúng ta hay đề cập đến tháng lương thứ 13. Đây là khoản tiền người lao động sẽ nhận được vào dịp cuối năm theo sự thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ với nhau. Thưởng Tết có thể bằng hiện vật, hay bất cứ hình thức nào để phù hợp bối cảnh... Một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh có thể có mức thưởng khả quan như tài chính - ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... “Còn lại về tổng thể, tình hình thưởng Tết nhìn chung sẽ giảm, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng Tết” - bà Hương dự đoán.
Thưởng Tết năm nay sẽ khó khăn hơn so với những năm trước - ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định. Tuy nhiên, ông Quảng cho biết, nhiều nơi đã có quy định, sáng kiến, ví dụ như đưa vấn đề tiền thưởng vào thỏa ước lao động tập thể. “Đây là hình thức để làm cho người lao động yên tâm trong quá trình lao động sản xuất, giữ chân người lao động cũng như động viên người lao động hăng say, gắn bó với doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của năm 2020 do dịch Covid-19 gây ra” - ông Quảng nói.
V.Hà