Thời gian qua, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân xóm Đông Tiến, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tố cáo ông Lương Xuân Thiết - xóm trưởng xóm Đông Tiến ăn chặn hàng trăm triệu đồng của dân. Mặc dù xảy ra nhiều năm nay, nhưng lãnh đạo xã... không hề hay biết.
Người dân bức xúc khi nói về những việc làm thiếu minh bạch của xóm trưởng.
Cắt xén nhiều khoản
Theo đơn tố cáo, năm 2012 thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất, một số tuyến đường của xóm Đông Tiến phải đắp lại. Sau khi đắp xong, xóm nghiệm thu và dân đóng góp 25 ngàn đồng/khẩu (xóm có 653 khẩu) để thanh toán cho đơn vị thi công. Cùng thời gian này, UBND xã Hợp Thành cũng hỗ trợ cho xóm 35 ngàn đồng/m3. T
heo số liệu nghiệm thu, đợt đắp bờ này có tổng 596,1m3 x 35 ngàn đồng = 20.863.500 đồng. Tuy nhiên, do người dân không được biết nên ông Thiết đã dùng số tiến này vào việc riêng. Cũng trong năm 2012, UBND xã Hợp Thành tiến hành thu đóng góp 150 ngàn đồng/lao động theo quy định. Xã để lại hỗ trợ cho tất cả các xóm 50 ngàn đồng/lao động, xóm Đông Thiết được hỗ trợ hơn 12,6 triệu đồng. Tuy nhiên, do người dân không biết nên một lần nữa số tiền này đã bị ông xóm trưởng ém nhẹm.
Cũng trong năm này, xóm tiến hành chuyển đổi ruộng đất. Danh sách mà xóm trưởng thống kê có tổng 653 khẩu được chia đất theo Nghị định 64 (số khẩu này đã được trừ vào diện tích đất thừa trong vườn). Tuy nhiên, ông Thiết chỉ báo về địa chính xã 626 khẩu, như vậy xóm trưởng đã giấu đi 27 khẩu.
Theo đơn tố cáo, hàng năm mỗi khẩu phải đóng tiền chuyển đổi đất bình quân 324 ngàn đồng và đóng góp cho xã, hợp tác xã, xóm khoảng 15 ngàn/khẩu. Tổng hai khoản này trong 3 năm lên đến hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thiết xóm trưởng còn cắt 8.000m2 đất công ích khoán cho dân để lập quỹ đen. Số đất này không có trong hồ sơ địa chính xã.
Tiếp đến, năm 2013, thực hiện chủ trương của xã về đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, xóm Đông Tiến có 2 đợt thực hiện. Tuy nhiên, ông xóm trưởng Đông Tiến đã không đưa vào phần thu với tổng số tiền 25 triệu đồng của 73 khẩu. Đây là chủ trương chính đáng phục vụ lợi ích người dân, chỉ có hai đối tượng là trẻ dưới 1 tuổi và người già trên 70 tuổi không phải thực hiện nghĩa vụ. Quá trình tìm hiểu người dân biết được rằng, 73 khẩu mà ông Thiết không đưa vào danh sách để thu gồm hầu hết là con em một số cán bộ, đảng viên và một số hộ thân cận của ông Thiết.
Trong năm 2013, người dân trồng lúa BC15 bị mất mùa. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các hộ dân thiệt hại từ 30 - 70% phân bón, thuốc BVTV và khôi phục sản xuất là 225 ngàn đồng/sào. Tuy nhiên, ông Thiết chỉ chi trả cho người dân 175 ngàn đồng/sào. Về phần này, rất nhiều hộ dân cũng đã thừa nhận chỉ nhận được 175 ngàn đồng/sào và đưa ra hóa đơn để chứng minh.
Có mặt tại buổi làm việc, các hộ dân: Nguyễn Thị Thoạt (72 tuổi), Nguyễn Thị An (55 tuổi), Phan Thị Hoa (53 tuổi), ông Phan Văn Bốn (71 tuổi) cũng cho biết, họ mới chỉ nhận được 175 ngàn, số tiền còn lại chưa biết ở đâu.
Có hay không sự bao che?
Với 5 vấn đề mà người dân xóm Đông Tiến tố cáo vị xóm trưởng của mình, thì hầu hết đều có bằng chứng cụ thể. Qua làm việc với ông Lương Xuân Thiết - xóm trưởng xóm Đông Tiến (người bị tố cáo) và lãnh đạo xã Hợp Thành, chúng tôi có được những câu trả lời thiếu dứt khoát. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có sự bao che?
Cụ thể, với nội dung tố cáo “ém nhẹm số tiền 35 ngàn đồng/m3 mà xã hỗ trợ trong đắp đường”, sau khi bị phát giác, ông Thiết chống chế rằng tiền còn nằm trên xã. Người dân cho rằng không hợp lý, vì trong hợp đồng chuyển đổi đất nếu dân chưa thanh toán thì phải trả lãi suất để trả cho bên B (đắp đất). Về phần này, ông Thiết xóm trưởng khẳng định đã trả cho bộ phận đắp bờ. Tuy nhiên, do bờ chưa đảm bảo kỹ thuật để đưa vào sử dụng nên phải đắp lại, số tiền dư cũng đã chi vào việc này hết rồi. Còn ông Lê Hồng Trường - Phó chủ tịch UBND xã Hợp Thành cũng thừa nhận xã có hỗ trợ 35 ngàn đồng/m3 cho các xóm trong đợt chuyển đổi ruộng đất ấy, đã chi trả và các xóm đã đến nhận đủ.
Việc ông Thiết “ăn chặn” 12,6 triệu đồng mà xã hỗ trợ, ông Thiết cho rằng “đã mua sỏi đất cơi nới mặt đường, nạo vét kênh mương trong xóm và trả công cho người san lấp”. Tuy nhiên, người dân cho rằng, nếu cơi nới mặt đường liên hương thì đã có xã hỗ trợ kinh phí, còn nếu nạo vét kênh mương trong xóm thì sẽ huy động lao động (tức đóng góp ngày công) chứ không phải thuê người làm.
Biện bạch như ông Thiết là không thỏa đáng. Ngoài ra, những nội dung như giấu nhẹm 27 khẩu trong danh sách chuyển đổi ruộng đất, không lập danh sách 73 khẩu phải thu phí giao thông và không trả đủ số tiền hỗ trợ giống bị mất mùa, ông Lương Xuân Thiết đều có lý do để giải thích, nhưng người dân nơi đây đều không đồng tình vì sự thiếu minh bạch, công khai của vị xóm trưởng của mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho rằng: “Các nội dung tố cáo, chúng tôi đã nắm được, một số nội dung sẽ cho kiểm tra lại, một số nội dung chúng tôi khẳng định xã làm đúng”. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho biết thêm: “Sẽ bảo vệ cho người đúng, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên, một phần có trách nhiệm của xã”.