Chỉ trong ngày đầu mở bán, hơn 37.000 chiếc iPhone 16 series đã tới tay người dùng Việt Nam, trong đó phần lớn là iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max, đưa tổng doanh thu lên tới hơn 1.100 tỷ đồng. Dù năm nào cũng ra mẫu mới, nhưng doanh thu của iPhone tại thị trường Việt Nam vẫn luôn ghi nhận con số khả quan. Đây chính là một trong những ví dụ về thói quen mua sắm xa xỉ phẩm của một bộ phận người Việt Nam.
Theo số liệu từ các hệ thống bán lẻ ủy quyền của Apple, FPT Shop đã giao 10.000 máy trong ngày đầu, ước doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. TopZone (thuộc Thế giới di động) kích hoạt 3.000 máy trong đêm mở bán và dự kiến giao 30.000 máy trong tháng 9. Các hệ thống bán lẻ lớn khác như CellphoneS, Viettel Store, ShopDunk và Hoàng Hà Mobile đều ghi nhận doanh số khả quan, dao động từ 2.000 đến 7.000 máy chỉ trong ngày đầu tiên. Các mẫu iPhone 16 Pro Max phiên bản màu Titan Sa mạc hiện đang khan hiếm hàng do phần lớn khách hàng đều ưa thích phiên bản màu mới này.
Là một trong những người xếp hàng từ rạng sáng 27/9 tại một cửa hàng TopZone để sớm sở hữu chiếc iPhone 16 Pro Max phiên bản màu Titan sa mạc, chị Dương Ánh Ngọc (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi năm, iPhone ra mẫu mới, tôi đều lên đời ngay, chỉ có năm ngoái là không kịp đặt mua sớm. Sở dĩ tôi nhất định phải mua màu Titan sa mạc là bởi đây là màu mới của năm nay, nếu mua cùng màu với các mẫu trước thì không có đặc trưng của bản mới, cảm giác như tôi vẫn đang dùng máy đời cũ vậy”.
Nhận đơn hàng lớn gồm 8 chiếc túi đều là những mẫu đang được ưa chuộng trên thị trường, Lan Hương (25 tuổi, Hà Nội) nói: “Tôi vừa xem livestream vừa mua hàng, không để ý đã “chốt đơn” tới 8 cái túi và 3 đôi giày. Nhưng mà nhìn chiếc nào cũng đẹp, cũng “hot”, nên tôi không nỡ bỏ, đành cắn răng mua hết, dù cuối tháng lương chưa về”.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ) công bố đầu năm 2023, người mua sắm hàng xa xỉ ngày càng giàu có và trẻ hơn. Đặc biệt, Gen Z đang bắt đầu mua sắm sản phẩm xa xỉ như mỹ phẩm, túi xách, giày, trang sức, quần áo hàng hiệu…ở tuổi 15, sớm hơn 3 - 5 năm so với thế hệ trước.
Ước tính đến năm 2030, thế hệ trẻ (thế hệ Y sinh từ năm 1980 - 1994, Z sinh từ năm 1995 - 2012 và Alpha sinh từ năm 2013 - 2025) sẽ trở thành những người mua hàng xa xỉ lớn nhất, chiếm 80% lượng mua hàng toàn cầu. Họ sẽ dành nhiều chi phí cho mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe của các thương hiệu lớn, được nhiều người sử dụng, hoặc được một số KOL (Key Opinion Leader) quảng cáo, với niềm tin rằng những mặt hàng đó an toàn và hiệu quả hơn sản phẩm cùng loại.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Diệp Hà, nhà tâm lý học ứng dụng, thuộc Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, dưới góc độ tâm lý học, hiện tượng này có thể được lý giải dựa trên lý thuyết hành vi dự định của Ajzen. Theo đó, thái độ, niềm tin chuẩn mực và niềm tin kiểm soát hành vi sẽ dẫn đến ý định và hành vi.
Ngoài ra, một lý thuyết khác trong tâm lý học có thể giải thích cho hành vi này là lý thuyết so sánh xã hội. Theo đó, con người có niềm tin rằng ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, địa vị xã hội và các hình thức cạnh tranh khác có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và tâm trạng. Do đó, so sánh xã hội là một cơ chế của các cá nhân nhằm tự nâng cao giá trị.
“Có thể hiểu rằng, khi mua sản phẩm xa xỉ, các bạn sẽ so sánh mình với người khác và xây dựng hình ảnh bản thân qua mặt hàng đó. Tâm lý này không hẳn là xấu. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, nếu các bạn có kinh tế đủ để đáp ứng nhu cầu này thì không sao. Nhưng nếu chưa tự chủ tài chính, không đủ kinh tế thì việc tiêu xài quá tay sẽ dẫn đến nợ nần, gây nên gánh nặng cho bản thân và gia đình”, bà Nguyễn Diệp Hà chia sẻ thêm.