Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 diễn ra ngày 20/12, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết: Thời gian qua, sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp (DN) đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN), giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/DN.
Theo báo cáo của CMSC, trong số 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương trong những năm qua, có 8 dự án, DN đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể.
Ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch CMSC cho biết: Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, DN đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho NSNN, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/DN, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.
Đề cập về quá trình xử lý những dự án này, ông Hùng cho hay: Các dự án đã qua "nhiều đời chính sách" nên việc xử lý cần tránh những “vết xe” vướng mắc trước đây. Mỗi dự án cụ thể đòi hỏi giải pháp xử lý phức tạp. “Ví dụ với dự án gang thép Thái Nguyên, Ủy ban cùng Tổng công ty đàm phán với nhà thầu Trung Quốc về điều kiện, khả năng xử lý” - ông Hùng cho hay.
Đối với giải pháp xử lý khó khăn của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), CMSC đã phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát tài sản, chi phí tài chính đưa vào chi phí đầu tư, không đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh. Từ đó, có hình thức phù hợp, tạo điều kiện cho DQS phục hồi, sản xuất kinh doanh bình thường, có khả năng cạnh tranh.
Một số dự án, DN đã có lãi, giảm lỗ lũy kế như: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN có nhiều chuyển biến tích cực như: Duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.
Các dự án, DN sản xuất phân bón (Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai ) duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Mặc dù, còn lỗ lũy kế nhưng từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), 3 dự án, DN này ước lãi 2.632 tỷ đồng vào năm 2022.
“Hiện còn 3 dự án, DN còn lại (không tính phương án xử lý dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công thương thực hiện) giao Ủy ban chỉ đạo việc xây dựng phương án xử lý gồm Tisco 2, VTM, DQS. Đến nay, Ủy ban đã hoàn thiện phương án và tới đây sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét” - ông Hùng nói.
Theo CMSC, trong năm nay, 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nộp ngân sách đạt hơn 79.252 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước (NSNN).
Tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam) bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu. 15/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế, 3 Tập đoàn, Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (VNA).
Đáng chú ý năm 2023, một số Tập đoàn, Tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước như: Sản lượng xuất khẩu sản phẩm thuốc lá vượt 24% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm 79% sản lượng xuất khẩu toàn ngành; kim ngạch xuất khẩu gạo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) ước đạt 523,31 triệu USD, bằng 176,4% kế hoạch năm (Công ty mẹ ước đạt 360,02 triệu USD, bằng 141,6% kế hoạch năm); kim ngạch xuất khẩu gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) đạt 700,774 triệu USD, bằng 209,75% kế hoạch năm...
Nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện trong năm nay. Đáng chú ý như: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Kho Cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn đã hoàn thành và đưa vào vận hành cuối tháng 10/2023; Dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành và bắt đầu khai thác từ ngày 2/12/2023...
“Năm 2024, sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội thì tiến độ giải ngân sẽ gia tăng” - lãnh đạo CMSC cho biết.