Gian lận là một trong những hành vi bị cấm khi tham gia dự thầu. Chế tài cấm thầu đối với các nhà thầu vi phạm được khá nhiều chủ đầu tư áp dụng một cách quyết liệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số chủ đầu tư chưa vận dụng triệt để chế tài, vẫn để lọt nhiều nhà thầu không đủ điều kiện tiếp tục tham gia đấu thầu.
Cuối tháng 10 năm 2022, Công ty cổ phần 473 (địa chỉ tại Số 7, Đường Nguyễn Cảnh Hoan, Phường Quán Bàu, Thành phố Vinh, Nghệ An) tham gia dự thầu 02 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp đường giao thông thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Kiến Thuỵ làm chủ đầu tư.
Tại cả 2 gói thầu, nhà thầu đều bị đánh giá không đạt năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật do có dấu hiệu làm giả hồ sơ tài liệu của 03 hợp đồng nguyên tắc, cụ thể Hợp đồng nguyên tắc số 01/2022/HĐNT ngày 26/10/2022 ký với Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Hoàng Dương về việc cung cấp vật liệu gạch, xi măng cát; Hợp đồng nguyên tắc số 01/2022/HĐNT ngày 27/10/2022 ký với Công ty TNHH TVXD và công nghiệp Toàn Cầu về việc cung cấp ống cống bê tông và Hợp đồng nguyên tắc số 02/2022/HĐNTKL ngày 26/10/2022 ký với Công ty cổ phần TMSX và dịch vụ vận tải Kim Long về việc cung cấp bê tông, Asphalt.
Theo đánh giá của tổ chuyên gia thì nhà thầu đã cắt ghép - dán chữ ký và dấu chức danh của Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hải. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm trôi qua, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Kiến Thuỵ vẫn chưa thấy công bố chế tài xử lý đối với nhà thầu vi phạm.
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư xây lắp HD (địa chỉ tại Phòng 101, Tầng 3 Tòa nhà The Sun, đường Mễ Trì - Phường Mễ Trì - Quận Nam Từ Liêm - TP Hà Nội) cũng gây sự chú ý khi Công ty này đã từng tham gia 113 gói thầu, trúng 32 gói, trượt 61 gói, 14 gói chưa có kết quả và 6 gói bị huỷ.
Nguyên nhân trượt thầu của HD được công bố tại một số gói thầu là sử dụng các tài liệu giả, tài liệu không trung thực khi tham gia dự thầu. Cụ thể: Tại gói thầu số 26 Thi công xây dựng trường THCS THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn thuộc dự án ĐTXD cải tạo nâng cấp các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhà thầu trượt thầu bị đánh giá có dấu hiệu làm giả hợp đồng nguyên tắc số 406/HĐNT-2023 ngày 25/2/2023 ký với công ty TNHH sản xuất bê tông Bắc Kạn về việc cung cấp cọc BTCT..; Tại Gói thầu số 07 Thi công xây dựng và Thiết bị, dự án Đầu tư nâng cấp trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Sơn La, nhà thầu cũng bị đánh giá có dấu hiệu làm giả chữ ký của chủ xe ô tô mang tên Nguyễn Mạnh Hùng trong hợp đồng nguyên tắc số 309/2023-HĐNT ngày 15/2/2023; Tại Gói thầu Cải tạo nâng cấp nhà ký túc xá và sửa chữa nhà xưởng thực hành Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ nhà thầu cũng bị đánh giá có dấu hiệu làm giả hợp đồng nguyên tắc số 601/2023-HĐNT ký ngày 09/3/2023 với chủ xe ô tô Nguyễn Mạnh Hùng (Công an tỉnh Phú Thọ đã xác minh và kết luận nội dung trong hợp đồng nguyên tắc trên là không có thật).
Tại gói thầu số 07 Thi công xây dựng công trình nhà lưu trữ, nhà để xe và một số hạng mục phụ trợ UBND huyện Nam Sách, nhà thầu cung cấp hợp đồng tương tự số 273/2021/HĐ-XL ký 23/8/2021 thi công xây dựng công trình Nâng cấp cải tạo trường tiểu học và THCS Bình Long, xã Hồng Việt, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng không đúng với thực tế.
Như vậy có thể thấy quá trình đánh giá E-HSDT các gói thầu thì nhiều bên mời thầu và các chủ đầu tư đã kịp thời phát hiện các hành vi gian lận của nhà thầu, tuy nhiên lại chưa quyết liệt áp dụng chế tài để xử lý những sai phạm này theo quy định về pháp luật đấu thầu.
Theo Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu là trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào; nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, trường hợp nếu nhà thầu cung cấp thông tin không trung thực, vi phạm hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu thì nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Bên cạnh đó, ngoài quy định của pháp luật về đấu thầu, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của các pháp luật khác có liên quan.Bên mời thầu và chủ đầu tư trong quá trình đánh giá E-HSDT cũng cần quan tâm đến mục uy tín của nhà thầu được hướng dẫn tại Mục 3- Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, chương 3 Tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT: Uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu ( không thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng) và thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Ngoài ra cũng cần xem xét đến các yếu tố nhà thầu dự thầu có nhiều lịch sử với hành vi gian lận bị công khai tại các Báo cáo đánh giá trên hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia.