Theo thống kê của NHNN, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012).
Ngày 5/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng”, nhằm đánh giá về quá trình xử lý nợ xấu và các thách thức mà các ngân hàng thương mại đang phải đối mặt, cùng với đó đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách trong thời gian tới.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những TCTD yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các TCTD. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Theo thống kê của NHNN, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp; đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,93% vào thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bình luận, vấn đề thanh khoản của hệ thống đã được xử lý rất thành công.
Từ trạng thái thiếu thanh khoản, các ngân hàng phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng (có thời điểm lãi suất lên tới 15-20%/năm vào cuối năm 2011), đến nay hiện tượng này đã được khắc phục gần như hoàn toàn: lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng trong suốt gần một năm qua luôn được duy trì ở mức thấp và ổn định (dưới 5%/năm, kỳ hạn qua đêm); tỉ lệ cho vay trên huy động (LDR) của hệ thống các TCTD từ mức rất cao lên tới trên 100% vào thời điểm cuối năm 2011 cũng đã được kéo xuống mức ổn định khoảng 85% trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công đòi hỏi phải có những cải cách pháp lý sâu rộng gắn liền với các cấu phần khác của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách hành chính.