Xã hội

Xử lý rác thải nhựa nông nghiệp

Nguyễn Anh Quang 01/11/2023 09:16

Hơn 500.000 tấn nylon, gần 78.000 tấn vỏ bao bì phân bón và gần 34.000 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thải ra môi trường.

Điểm thu gom rác thải tái chế của câu lạc bộ “Ve chai tình thương” tại xã Ia Rong (huyện Chư Pưh, Gia Lai). Nguồn: TBTC.

Theo TS Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chất thải nhựa từ chăn nuôi mỗi năm phát sinh 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Tuy nhiên, sau 5 năm phát động cuộc chiến với rác nhựa trong sản xuất nông nghiệp đã có thành công bước đầu. Điển hình là mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), thuộc Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” được tài trợ bởi UNDP Việt Nam và Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam.

Hoạt động gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu giúp tận dụng lực lượng ngư dân thành thành viên trong tổ thu gom rác trên biển, giảm thiểu lượng chất thải nhựa trôi nổi, đem lại thu nhập cũng như gia tăng giá trị kinh tế cho nguồn chất thải có thể tái chế.

Hay như mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn tại Quảng Ninh. Hoạt động này hướng tới việc thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường..

Ông Mai Thanh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết, để giảm thiểu chất thải nhựa ra ngoài môi trường, địa phương đã thực hiện và nhân rộng mô hình “Cánh đồng sạch - thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở hầu hết các xã, thị trấn với tổng số hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng và đưa vào hoạt động trên các cánh đồng nhằm phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thí điểm mô hình quản lý chất thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích 10,25ha trồng lúa, khoai lang, ớt... tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng.

Đánh giá hiệu quả của những mô hình sản xuất xanh, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa nông nghiệp một cách có hệ thống; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa trong nông nghiệp, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa của ngành. Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý rác thải nhựa nông nghiệp