Chỉ còn ít ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Sau hàng loạt tiêu cực xảy ra trong kỳ thi của một số năm trước, câu hỏi đặt ra là kỳ thi năm nay được tổ chức thế nào để đảm bảo nghiêm túc, khách quan và công bằng.
Quy trình liên quan tới đề thi chặt chẽ hơn
Trước sai phạm xảy ra trong xây dựng đề thi môn Sinh học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Bộ GDĐT cho biết, Bộ GDĐT đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ GDĐT đã triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tới tất cả các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hướng tới mục tiêu các kỳ thi được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.
Từ vi phạm trên, lãnh đạo Bộ GDĐT khẳng định các quy định liên quan tới khâu đề thi của kỳ thi 2022 sẽ chặt chẽ hơn.
Theo đó, Bộ sẽ phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân giữa các khâu: xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi, biên soạn, biên tập, thẩm định, lựa chọn và nhập liệu câu hỏi thi. Trong đó, ở các khâu lựa chọn, nhập liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi được tăng cường biện pháp bảo mật.
Quy trình xây dựng đề thi cũng được rà soát, bảo đảm khách quan, bảo mật trong các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án. Trong đó, phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia ban đề thi.
Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), tổng số phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống tính đến 17h ngày 5/6 là hơn 1.002.486 phiếu. Trong đó, có 87,8% thí sinh đăng ký dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.
Với kỳ thi có tính cạnh tranh cao, để phòng tránh nguy cơ gian lận thi cử, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục theo dõi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại các địa phương và chỉ đạo tổ chức thi theo đúng tiến độ, kế hoạch, bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
Về công tác rà soát tổng thể, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi, Bộ đề nghị các địa phương có phương án bảo quản vật dụng của thí sinh bảo đảm khoảng cách tối thiểu 25 m; lựa chọn các địa điểm sao cho thuận lợi cho công tác an toàn, bảo mật.
Trong đó, chú ý xác lập 3 vòng độc lập đối với khu vực in sao, vô hiệu hóa mạng internet và wifi tại khu vực in sao; dán kín (có niêm phong) các cửa sổ, cửa chính sát nhà dân, đường giao thông…
Về công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi, Bộ GDĐT lưu ý địa phương lựa chọn địa điểm in sao; chuẩn bị vật tư, thiết bị phục vụ in sao; có phương án bảo vệ khu vực in sao,vận chuyển và lưu trữ đề thi. Đặc biệt, chú trọng công tác lựa chọn cán bộ.
Huy động sự giám sát của xã hội
Chỉ còn ít ngày nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra. Theo các chuyên gia, Bộ GDĐT cần nhìn nhận những thiếu sót, đưa ra giải pháp để hoàn thiện kỳ thi từ khâu coi thi, chấm thi, ra đề thi tới vai trò giám sát của Bộ nhằm khắc phục tình trạng gian lận thi cử, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Đánh giá về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, những thay đổi, cải cách quy trình của kỳ thi là hướng đi đúng, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, trước những tiêu cực xảy ra trong kỳ thi thời gian qua, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi tầm cỡ quốc gia với quy mô toàn quốc, số lượng thí sinh dự thi rất lớn nên kỳ thi này cần có sự phối hợp tổ chức của nhiều đơn vị khác nhau và phân rõ trách nhiệm các bên liên quan.
Cụ thể như: quy trình tổ chức thi, hệ thống đề thi, thanh tra tổng thể, Bộ GDĐT là cơ quan chịu trách nhiệm. Còn việc triển khai tổ chức thi, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc.
Việc làm này đã được thực hiện trong những năm gần đây sau những tiêu cực thi cử ở một số tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phát hiện. Tuy nhiên, dù quy trình triển khai chặt chẽ nhưng vẫn để lọt kẽ hở.
TS Lê Viết Khuyến nhận định: “Vấn đề ở con người. Đây là câu chuyện muôn thuở nhưng quan trọng là cách dùng con người như thế nào?”.
Nhắc tới sai phạm xảy ra trong xây dựng đề thi môn Sinh học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, để xảy ra sai phạm này trách nhiệm thuộc về Bộ GDĐT.
Chuyên gia này cho biết, quy trình làm đề, ra đề hiện nay ổn nhưng việc triển khai quy trình ấy đang có vấn đề nên mới để xảy ra tình trạng trùng lặp bất thường đề thi tốt nghiệp THPT chính thức với đề ôn tập môn Sinh học của một giáo viên đến 90%.
Việc nên duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT là chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, chuyên gia giáo dục thời gian qua sau khi xảy ra vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi năm 2018 ở một số địa phương. Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, các ý kiến cho rằng nên dừng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là cực đoan.
Theo ông Khuyến, kỳ thi này là cơ hội để ngành giáo dục rà soát kết quả học tập của học sinh sau 12 năm phổ thông nên cần thiết và không thể bỏ được, nhất là trong điều kiện dạy học của các vùng miền còn có sự khác biệt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ được tổ chức vào các ngày 7 và 8/7. Để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc, TS Lê Viết Khuyến kiến nghị, Bộ GDĐT cần nhìn nhận những thiếu sót, đưa ra giải pháp để tiếp tục hoàn thiện kỳ thi, từ khâu coi thi, chấm thi, xây dựng ngân hàng đề, ra đề thi tới vai trò giám sát của Bộ.
“Bộ cũng cần phải công khai các sai phạm; đồng thời kỷ luật, xử lý nghiêm minh và không bao che những cán bộ có hành vi gian lận trong thi cử để tạo niềm tin cho học sinh, gia đình và xã hội. Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan, kỳ thi muốn tổ chức tốt cũng rất cần sự huy động giám sát từ phía xã hội”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Theo dõi diễn biến vụ việc về đề thi Sinh học năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Thời gian qua, việc xử lý khi có phản ánh lộ đề thi Sinh học còn kéo dài nhất là khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang cận kề. Sự chậm trễ này khiến phụ huynh, học sinh và cử tri cả nước mất niềm tin. Trong sự việc này, tôi cho rằng Bộ GDĐT còn chậm trễ trong xử lý”.
Từ những vụ việc gian lận thi cử, bà Nga cho rằng, cần nhìn nhận lại các chế tài xử lý vi phạm hiện nay đã đủ mạnh hay chưa. Để liên tiếp xảy ra những sai phạm, phải chăng đang có những kẽ hở trong quá trình tổ chức ra đề, tổ chức thi để có thể lợi dụng?
Đại biểu cũng nhấn mạnh, Bộ GDĐT cần rà soát lại toàn bộ các khâu từ quy trình xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi, tổ chức thi và chấm thi xem khâu nào còn sơ hở, dễ dàng để các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng, sai phạm.
"Nếu không làm đến cùng, truy ra gốc rễ vấn đề, chúng ta chỉ có thể xử lý được “phần ngọn”. Như vậy, dù có xử lý bao nhiêu sai phạm đi nữa, tôi tin rằng sẽ không xử được hết những vi phạm và vẫn còn lỗ hổng cho những sai phạm sau len lỏi, hình thành”, bà Nga nêu quan điểm.