Nhiều năm trước, người dân ở xóm Bình Long, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã kiên trì gửi đơn tố cáo một số cán bộ xã, thôn, chiếm dụng trái phép 13.612 m2 đất rừng tái sinh của công, cùng diện tích 5.258 m2 đất rừng của công bị chiếm dụng, chuyển nhượng “chui”.
Trong đó, diện tích đất rừng tái sinh hơn 13.000m2 bị chiếm dụng trái phép đã được cấp “bìa đỏ”. Đáng chú ý, Hội đồng xét cấp “bìa đỏ” cho các hộ gia đình trong đó có cả người chiếm dụng trái phép đất công …
Ngày 23/2/2012, UBND huyện Phú Lương đã ban hành Quyết định 653/QĐ-UBND, thành lập đoàn xác minh đơn tố cáo của công dân…
Ngày 10/4/2012, UBND huyện ký văn bản Kết luận số 253 /KL-UBND, khẳng định các nội dung tố cáo của công dân là có cơ sở. Theo đó, ngày 19/4/2012, UBND huyện Phú Lương ra Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của công dân số 48/UBND-TTr, nêu rõ sai phạm trong việc chiếm dụng hơn 13.000 m2 đất rừng trái phép ở xã Vô Tranh, trong đó có cá nhân là lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn và trường hợp các ông Nguyễn Đình Vinh, Trần Đức Huynh chiếm dụng trái phép hơn 5.000m2 đất rừng của công đem sang nhượng “chui” cho ông Nguyễn Văn Xuân…
Thông báo này cũng nêu rõ “sẽ thu hồi QSDĐ” tại các thửa đất rừng tái sinh của công bị chiếm dụng trái phép, giao về UBND xã Vô Tranh quản lý, sử dụng vào mục đích công ích. Tuy nhiên, sau đó, các cán bộ, đảng viên liên quan vẫn không bị xử lý kỷ luật về đảng. Người thì được về hưu “hạ cánh an toàn”, người thì tiếp tục được “cơ cấu” bầu làm cán bộ, khiến dư luận bức xúc, đơn thư khiếu kiện kéo dài.
Nhiều năm qua, người dân ở Vô Tranh cũng kiến nghị một việc khác. Năm 2001, UBND xã Vô Tranh đã để cho ông Trần Văn Ngữ ở xóm Liên Hồng 8 “sử dụng” đầm Giếng De (có diện tích hơn 2,7 ha).
Được biết, đầm Giếng De là chuỗi công trình trung thủy nông Khe Đạt. Năm 1965 UBND tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng để dự trữ nước vào mùa khô hạn nhằm đảm bảo tưới tiêu cho canh tác nông nghiệp ở xã Vô Tranh, trong đó, trọng điểm là các xóm Liên Hồng 4,5,6,7.
Sau khi “sử dụng” đầm Giếng De, ông Ngữ đã phá bờ bao, san lấp lòng đầm để trồng cây lâu năm và cấy lúa, nên việc canh tác của 4 xóm nói trên vô cùng khó khăn về nước tưới; ảnh hưởng xấu đến đời sống của hàng trăm hộ gia đình.
Từ năm 2005, xóm Liên Hồng 7 đã họp toàn thể nhân dân, lập văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền trong tỉnh, đề nghị kiểm tra việc này đúng hay sai? Hơn 10 năm qua (2005 – 2018) cũng đã có rất nhiều đơn thư và ý kiến của công dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền của địa phương hãy đưa đầm Giếng De về đúng công năng sử dụng. Tuy nhiên, kiến nghị của dân vẫn “bặt vô âm tín”…
Dư luận địa phương rất mong lãnh đạo các cấp tỉnh Thái Nguyên sớm rà soát lại những “góc khuất” trong quản lý, sử dụng đất đai, hồ đầm ở xã Vô Tranh, huyện Phú Lương vì lợi ích người dân, xử lý thích đáng đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm, để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.