Xã hội

Xử lý tin giả

MAI HÀ 15/09/2024 17:57

Giữa những ngày nước sôi lửa bỏng bão lũ khẩn cấp, trong sự lo lắng của người dân, đã xuất hiện không ít tin giả gây hoang mang dư luận như vỡ đê, sập cầu, cắt điện… Xuất hiện những tấm ảnh được cắt ghép, được dàn dựng, được sáng tạo bởi AI nhưng lại được gắn địa chỉ, tên tuổi khiến nhiều người nhầm lẫn. Thậm chí xuất hiện cả tin nội thành Hà Nội sẽ ngập lụt vì lũ sông Hồng dâng cao khiến người dân đổ xô tích trữ lương thực, thực phẩm.

tin-gia-1726211768.jpg
Cần loại bỏ những hình ảnh, tin tức giả mạo gây hoang mang dư luận.

Tràn ngập tin giả

Trong những năm qua, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, số người bị nhà chức trách triệu tập, xử phạt vì đăng, phán tán tin giả không ít. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn hoành hành.

Vào những ngày trước khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện loạt hình ảnh ghi lại cảnh Philippines tan hoang đổ nát với chú thích: "Hình ảnh sau khi bão đổ bộ vào Philippines khiến hàng chục nghìn người tại miền trung Philippines ra đi”. Trong bối cảnh siêu bão Yagi chuẩn bị tiến sát vùng biển Việt Nam, thông tin trên ngay lập tức được chia sẻ chóng mặt gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, trong thực tế, những hình ảnh được lan truyền trên mạng được chụp tại Philippines sau cơn bão Haiyan năm 2013. Đây là một trong những siêu bão lớn nhất từng được ghi nhận khi có sức gió cao nhất lên tới 313 km/giờ.

Khi bão chính thức đổ bộ vào đất liền, một loạt tin tức thiếu kiểm chứng, đồn thổi tiếp tục xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí một số cơ quan báo chí cũng vội vàng đưa tin như sập nhà 2 tầng trên phố Khâm Thiên, vỡ đê tại Hải Phòng, Sóc Sơn, Phú Thọ…

Rồi cho đến khi hoàn lưu của bão số 3 gây ra mưa to, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… thiệt hại to lớn về người và của, nạn fake news cũng lập tức dâng lên cao trào như đỉnh lũ. Một loạt thông tin sai sự thật liên tiếp bùng nổ. Điển hình nhất là hình ảnh 3 người trong gia đình tại Hà Giang chạy lũ và clip em bé Mèo Vạc khóc nức nở vì mẹ bị lũ cuốn trôi. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh người chồng ngâm mình trong nước lũ, đẩy theo một chiếc chậu, bên trong có người vợ đang ôm chặt con trai, đính kèm là dòng chú thích cho biết đây là một gia đình ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Bức ảnh đã tạo nên cơn sốt ngay sau khi đăng tải, được nhiều fanpage nổi tiếng, thậm chí cả cơ quan báo chí sử dụng lại. Nhưng rồi, đến tối muộn cùng ngày, Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh đã lên tiếng khẳng định hình ảnh kể trên chỉ là dàn dựng. Những người trong ảnh là Youtuber.

Đoạn clip ghi lại cảnh một em bé khóc nức nở tại vùng cao kèm chú thích: Em bé đang đi tìm mẹ, nhưng mẹ em đã bị lũ cuốn mất, cũng vậy, chính cô giáo của em bé lên tiếng khẳng định: Đây là fake news. Thực tế, mẹ bé vẫn sống khỏe mạnh bình thường.

Khoảng 2 tiếng sau khi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), một số trang và tài khoản Facebook đã đưa thông tin: “Xe con trôi cầu Phong Châu lũ cuốn 10 cây số đã cứu được và 4 người trong xe còn sống vào bờ an toàn. Phép màu mong đến những người tiếp theo”. Nhưng sau đó, thông tin hoàn toàn sai sự thật. Trong thực tế vụ việc chiếc ô tô bị trôi xảy ra trên địa bàn xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn vào ngày trước đó không liên quan gì đến vụ sập cầu Phong Châu…

vo-de-1726212115.jpg

Chế tài chưa đủ mạnh?

Nếu những bức ảnh và clip cắt dán khiến dư luận phẫn nộ vì bị lừa dối cảm xúc thì những tin giả như bão đổ bộ Philippines tan hoang hay tin Hà Nội sẽ cắt điện, vỡ đê ở Sóc Sơn, ngập nội thành Hà Nội, hậu quả của nó là dòng người ùn ùn xếp hàng ở các siêu thị mua hết sạch hàng hóa để tích trữ, giá lương thực thực phẩm ở các chợ truyền thống đã bị tăng lên gấp nhiều lần.

Đương nhiên không phải chỉ ở Việt Nam, tin giả hiện nay đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Để chống tin giả, việc đầu tiên là phải định danh- xác định được danh tính của người đăng tải thông tin. Đây được cho là gốc của vấn đề, ví dụ như Facebook có hàng triệu người dùng nên không thể yêu cầu họ gỡ bỏ từng thông tin chia sẻ được.

Tin giả lan tràn trong đời sống hàng ngày đã đành nhưng vào lúc dịch bệnh, bão lũ tin giả gây ra sự căng thẳng, lo sợ, thậm chí hoảng loạn. Những tin tức theo kiểu "nghe nói là", "ở chỗ này căng lắm", "toang rồi"... mà không có bất cứ sự kiểm chứng và nguồn chính thống nào xác nhận, từ các trang mạng xã hội tung lên, hoặc để câu view, hoặc để gieo rắc nỗi sợ hãi, hoặc thậm chí để cốt bán hàng online đã khiến tình hình càng trở nên rối ren.

Cứ càng lúc đất nước khó khăn, tin giả cứ như đang chực chờ đâu đó để xuất hiện và người ta vẫn tiếp nhận nó. Trong khi theo dõi đường đi của tin giả, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên là có rất nhiều người có trình độ, có hiểu biết, nhiều người là nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo cũng có tên có tuổi vẫn chia sẻ tin giả như… đúng rồi. Trong khi bão lũ đang giai đoạn gay go quyết liệt nhất, tin giả càng làm cho tình hình trở lên rối hơn. Nếu xã hội cùng bình tĩnh thì sẽ có thái độ ứng xử đúng mực với tin giả, không tiếp tay cho tin giả hoành hành, không cho tin giả đất sống.

Mạng xã hội với các đặc tính tăng cường kết nối đã khiến các “phẩm chất” của xã hội truyền thống như đưa chuyện, tỏ ra thạo tin càng được dung dưỡng trên nền tảng công nghệ. Các nền tảng mạng xã hội khiến cái tốt lan truyền rất nhanh, ví dụ người dân cả nước tiếp cận với thông tin khó khăn của vùng lũ rất nhanh và ngay lập tức có hành động cứu trợ. Nhưng tin đồn thất thiệt và các tin xấu còn lan nhanh hơn.

Vì sao mặc dù các cơ quan chức năng đã xử phạt không ít, tin giả vẫn ngang nhiên hoành hành? Có lẽ việc xây dựng khung pháp lý chưa đủ mạnh. Bởi vậy cách hữu hiệu là cần tăng sức đề kháng của cộng đồng. Tư duy phản biện không phải là thấy lòng tốt cũng nghi ngờ mà là trở thành người biết phản biện khi đọc tin, phân biệt tốt xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý tin giả