Vụ triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa giả quy mô lớn vừa qua đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư Hà Nội).
PV: Dưới góc độ pháp lý, ông đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi sản xuất, tiêu thụ sữa giả?
Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Trước hết, sữa bột là loại sản phẩm đặc biệt. Nó không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường mà liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của con người. Việc sản xuất sữa giả là hành vi có chủ đích, thực hiện có tổ chức, có hệ thống, và gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho cộng đồng. Nguy hiểm ở chỗ: Hậu quả của sữa giả không phải lúc nào cũng thể hiện ngay lập tức. Khi mà mỗi hộp sữa giả là một “quả bom sinh học” phát nổ chậm, thì không thể coi đây chỉ là gian lận kinh tế đơn thuần.
Bộ luật Hình sự hiện hành, tại Điều 193, đã quy định rõ: hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm giả có thể bị xử lý với khung hình phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Tuy nhiên, nguy hiểm không chỉ nằm ở sản phẩm giả, mà còn ở chỗ nó được hợp thức hóa dưới lớp vỏ doanh nghiệp hợp pháp. Đó là lúc tội ác “khoác áo” doanh nghiệp, và đạo đức kinh doanh bị thay thế bằng lòng tham vô đáy.
Trong trường hợp này, với quy mô, số lượng và hậu quả xã hội đặc biệt lớn, cơ quan tố tụng hoàn toàn có cơ sở để áp dụng khung hình phạt cao nhất. Đồng thời, cần làm rõ có hay không dấu hiệu tiếp tay, buông lỏng kiểm soát từ các cơ quan chức năng? Vai trò của các đơn vị phân phối, hệ thống bán lẻ? Truy thu toàn bộ tài sản thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội để đảm bảo tính răn đe và công bằng xã hội.
Vậy theo ông, vì sao một đường dây như vậy có thể tồn tại và hoạt động suốt nhiều năm mà không bị phát hiện?
Đây là câu hỏi rất quan trọng. Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc lên án tội phạm, mà phải nhìn thẳng vào những điểm yếu trong hệ thống quản lý nhà nước để ngăn chặn điều tương tự tái diễn. Thứ nhất, là lỗ hổng đến từ chính cơ chế tự công bố sản phẩm. Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có sữa bột, được phép tự công bố tiêu chuẩn chất lượng. Thứ hai, là công tác hậu kiểm yếu và thiếu đồng bộ. Thứ ba, là sự phối hợp kém giữa các cơ quan liên ngành. Cuối cùng, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, người tiêu dùng hiện đang đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả. Họ không có khả năng phân biệt đâu là sữa thật - giả. Đồng thời, kênh tiếp nhận phản ánh cũng chưa đủ hiệu quả, khiến nhiều dấu hiệu vi phạm bị bỏ qua trong im lặng.
Pháp luật hiện hành có đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này hay không và đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn, thưa ông?
Về mặt quy định, pháp luật Việt Nam hiện đã có đầy đủ chế tài nghiêm khắc, thậm chí có thể so sánh với tội “giết người” trong một số trường hợp. Song vấn đề không nằm ở luật, mà nằm ở thi hành luật nhiều khi chưa được cứng rắn, nghiêm khắc.
“Thủng” ở đâu thì “vá” ở đó, giải pháp căn cơ là cần bổ sung quy định bắt buộc kiểm định độc lập trước lưu hành đối với sữa bột các loại.
Bênh cạnh đó, tôi cho rằng việc tăng nặng hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm giả là rất cần thiết và cấp bách. Chỉ khi luật pháp đủ nghiêm, quản lý đủ chặt, giám sát đủ sâu và người dân đủ tỉnh táo, chúng ta mới hy vọng chấm dứt được vấn nạn sữa giả.
Trân trọng cảm ơn luật sư!