Gần gũi nhất với bà con người Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) huyện Hòa Vang là Mặt trận các cấp của TP Đà Nẵng. Trao đổi với chúng tôi - bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang cho biết, ngoài những món quà thiết thực nhiều ý nghĩa về vật chất và tinh thần của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội, người Cơ Tu ở Đà Nẵng đón Tết Đinh Dậu 2017 phấn khởi hơn nhờ tiếp cận với mô hình khởi nghiệp từ nghề truyền thống.
Người Cơ Tu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang
tập trung ở nhà Gươl nhận quà Tết.
Có gì đó thật ấm áp, chân tình từ một người Cơ Tu trẻ tuổi là Bí thư chi bộ của 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí tên là Trần Văn Vân khi thay mặt 254 hộ dân nơi đây nhận các suất quà Tết (trị giá từ 500 đến 600 ngàn đồng/suất) từ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đặng Thị Kim Liên vào sáng ngày 17/1 : “Xuân đến sớm với bà con Cơ Tu rồi! Vui nhiều, phấn khởi nhiều nhưng bà con Cơ Tu ráng bảo nhau đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ông Phan Văn Thu, là Phó thôn Tà Lang cũng cho biết, 125 hộ dân với 338 nhân khẩu thôn Tà Lang đã yên cái bụng đón mùa Xuân nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Mặt trận các cấp. Mặt trận luôn tìm cách giúp người Cơ Tu thoát nghèo. Thay mặt 142 hộ đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) nhận quà Tết từ Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng trong ngày 17/1, già làng thôn Phú Túc cũng nói rằng năm nay mùa Xuân đến sớm hơn, bà con đón Tết vui hơn nhờ Mặt trận mở hướng làm ăn mới giúp người Cơ Tu thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang cho biết, cùng với những nỗ lực tìm cách giúp bà con Cơ Tu ở nơi xa xôi cách trở nhất của Đà Nẵng là Tà Lang, Giàn Bí thoát nghèo, Mặt trận, chính quyền và ngành chức năng định hướng, hỗ trợ cho người Cơ Tu thôn Phú Túc phát huy nghề truyền thống là làm rượu cần cung cấp cho các khu du lịch, nhà hàng.
Từ chỗ sản xuất manh mún, tự cung tự cấp, định hướng làm và kinh doanh rượu cần đã mở hướng làm ăn mới cho 142 hộ dân Cơ Tu thôn Phú Túc. Người Cơ Tu ở Phú Túc giờ đây đã tiếp cận, làm quen với phương thức sản xuất, kinh doanh theo nhóm, hộ gia đình. Cuộc sống thay đổi thấy rõ. Nếu như trước đây cuộc sống hàng ngày của bà con chỉ trông chờ vào làm rẫy thì nay tất cả đã thay đổi nhờ sản phẩm rượu cần truyền thống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Hiệp thống kê ở Phú Túc hiện có 15 hộ chuyên chế, cất rượu cần. Mặt trận cùng với ngành chức năng hỗ trợ các hộ dân mua bình, hũ đựng rượu, đăng ký thương hiệu, nhãn mác, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu du lịch và du khách. Ý thức khởi nghiệp từ nghề rượu cần truyền thống đã xuất hiện trong các hộ gia đình ở Phú Túc, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng.