Cùng với nhạc sĩ Văn Cao, năm nay cũng là kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ Xuân Oanh. Đa số công chúng đều chỉ biết đến một Xuân Oanh với ca khúc nổi tiếng “Mười chín tháng Tám”. Nhưng không chỉ có vậy, cuộc đời của ông còn có nhiều điều thú vị.
Cánh chim của mùa xuân cách mạng
Nhạc sĩ Xuân Oanh mất hồi tháng 3 năm 2010, ông không kịp chờ đến mùa thu Hà Nội tròn 1.000 năm. Như vậy là đến năm nay, đã 13 năm người thân, bạn bè và công chúng yêu nhạc không còn được gặp ông. Nhưng những ký ức về ông, những kỷ niệm về Xuân Oanh thì vẫn luôn được nhắc nhớ.
Mới rồi, gia đình nhạc sĩ đã ra mắt cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh, cánh chim Oanh của mùa xuân Cách mạng”. Đó là cuốn sách hơn 300 trang với 20 bài viết của nhiều tác giả, là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà thơ, nhà báo trong nước và quốc tế khắc họa chân dung người nghệ sĩ toàn tài người chiến sĩ cách mạng lão thành sắt son của Việt Nam.
Có một điều thú vị, sinh thời, Xuân Oanh thường coi âm nhạc là “nghề tay trái”. Tuy nhiên, với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhiều nhà phê bình âm nhạc đưa ra nhận định rằng: “Xuân Oanh cùng những nhạc sĩ cách mạng thế hệ đầu như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… đã sống, đã sáng tạo, đã tận hiến và đã để lại một gia sản dựng lên những cột mốc sừng sững trong lịch sử Việt Nam hiện đại”.
Và cứ tới mỗi mùa thu cách mạng, ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh lại vang lên. Với ca khúc ấy, ông từng nói rằng, "mình chỉ là người may mắn được lịch sử chọn để ghi lại bằng âm nhạc khí thế cách mạng long trời lở đất của dân tộc ta trong ngày đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến đã bao đời đè nặng để lập nên Nhà nước và Chính quyền nhân dân đầu tiên ở châu Á".
Nhạc sĩ Xuân Oanh tên khai sinh là Đỗ Xuân Oanh, sinh ngày 4/1/1923, tại một vùng quê Quảng Yên, Quảng Ninh. Cha ông, một nhà Nho từ vùng Duyên Hà (Vũ Thư), Thái Bình chạy giặc sang Quảng Ninh, làm phu ở Móng Cái, rồi về ở ẩn tại thị trấn Quảng Yên, lấy vợ, sinh con, sống bằng nghề thợ may và ở đó cho đến hết đời. Mẹ mất từ năm 6 tuổi, 14 tuổi, học xong tiểu học trường Pháp, ông bắt đầu tự kiếm sống bằng nhiều nghề: Thợ đúc, thợ mỏ, dạy học, vẽ tranh, nhạc công phòng trà. 19 tuổi, Xuân Oanh lên Hà Nội.
Một năm sau Xuân Oanh đã là một thanh niên đầy nhiệt huyết, mang trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, có ý thức giác ngộ cách mạng và một ý chí quyết tâm theo cách mạng đến cùng. Vì thế, khi được nhà văn Nguyễn Đình Thi giới thiệu vào Mặt trận Việt Minh, Xuân Oanh đã tham gia ngay. Kể từ đó, ban ngày làm việc, đến tối Xuân Oanh cùng anh em bí mật đi tuyên truyền cách mạng cho bà con lao động. Nhạc sĩ Xuân Oanh từng tâm sự: “Được tham gia công tác cách mạng, tôi thấy vinh hạnh lắm”.
Được hòa mình trong dòng thác cách mạng, được chứng kiến những giờ phút thiêng liêng hào hùng của đất nước, người thanh niên 23 tuổi Xuân Oanh không kìm nổi cảm xúc dâng trào và cảm xúc ấy bật lên thành ý nhạc, lời ca: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...” và cứ thế, “xuất thần” những câu tiếp sau.
Ông vừa sáng tác vừa hát lên để quần chúng đi trong đoàn biểu tình hát theo. Tới Nhà hát Lớn Hà Nội thì ca khúc “Mười chín tháng Tám” đã hoàn chỉnh. Giữa Quảng trường Nhà hát Lớn trong mùa thu rực rỡ cờ hoa, nhân dân phấn khởi, tự hào, hát vang bài ca được sáng tác tại chỗ, kịp thời nhất: “... Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề: Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.
Sau đó ít ngày, bài hát “Mười chín tháng Tám” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó, vào đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, nên bài hát càng có ý nghĩa sâu sắc và đọng lại mãi trong lòng mọi người.
Nhưng cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Oanh không chỉ có ca khúc “Mười chín tháng Tám”. Bài hát “Quê hương anh bộ đội” của ông cũng được nhiều người nhớ đến và yêu thích. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Xuân Oanh còn có một số tác phẩm khác cũng nổi tiếng và trở thành cẩm nang cho các sinh viên, học viên về thanh nhạc như: “Cây súng bạn đường”, “Đời vẫn tươi”, “Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, “Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”...
Có một điều nhiều người thắc mắc: Ai là người vận động Xuân Oanh tham gia cách mạng? Hồi ức của ông Đỗ Lê Châu - con trai nhạc sĩ Xuân Oanh cho biết rằng, trong những năm 1940 - 1945, Xuân Oanh ở quê đánh cá, học thuê kiếm ăn một thời gian, sau đó xin được việc làm ở Xưởng Kẽm của Nhật ở bến Phà Rừng, Quảng Yên, lối sang Hải Phòng. Vốn lanh lợi, học việc nhanh, ông được chủ giao làm thợ điện của nhà máy. Cuộc sống có lẽ sẽ êm đềm như vậy nếu như không có vụ tai nạn điện giật khủng khiếp hất ông rơi từ đỉnh cột điện xuống đất. Ông mê man bất tỉnh 5 ngày liền. Khi tỉnh dậy cũng là lúc ông biết mình đã mất việc. Cuộc mưu sinh từ đó lại đưa ông sang các hầm mỏ than ở Hòn Gai, rồi ông dần lang bạt sang Thành phố Cảng Hải Phòng lúc này đang thâm nhập lối sống Tây.
Tại đây, ông nhanh chóng gia nhập giới nghệ sĩ trẻ thành phố, đêm thì đàn, hát ở các quán rượu, ngày thì làm gia sư và đủ thứ nghề kiếm sống. Ông quen biết với Nguyễn Đình Thi, Văn Cao và giới trẻ cách mạng ở Hải Phòng từ đây, bắt đầu tiếp cận với các hoạt động ủng hộ Việt Minh. Một thời gian sau, theo bạn bè, Xuân Oanh lên Hà Nội. Ban ngày ông làm thuê ở một hiệu giày gần Bờ Hồ, ở trọ trong căn buồng áp nóc nhà Triển lãm ở góc phố Tràng Tiền đối diện cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ, nay là Tràng Tiền Plaza. Tối đến ông đi đàn, hát ở các quán rượu. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi lúc này cũng đã lên Hà Nội hoạt động. Gặp lại nhau, Nguyễn Đình Thi vận động Xuân Oanh tham gia Cách mạng. Năm 1944, Xuân Oanh chính thức trở thành thành viên Mặt trận Việt Minh, được phân công làm công tác tuyên truyền, cổ động và hoạt động chủ yếu ở khu vực Nam Hà Nội, từ Đuôi Cá đến Chợ Hôm.
“Xuân Oanh đến với Cách mạng với tất cả sự hồn nhiên, trong trẻo và nhiệt huyết tràn đầy”, con trai nhạc sĩ Xuân Oanh chia sẻ.
Người bắc cây cầu văn hóa
Nhắc tới Xuân Oanh là nói đến một nghệ sĩ đa tài. Cùng với thơ, ca, nhạc, họa ông còn có một khả năng thiên bẩm về ngoại ngữ. Tự học, nhưng nhạc sĩ Xuân Oanh đã thông thạo đến 7 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nhật… Xuân Oanh đã trở thành “người bắc cầu” để đưa văn học Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài. Ông đã dịch thơ Hồ Xuân Hương trong “Tuyển tập thơ nữ Việt Nam”, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), tiểu thuyết “Ông Cố Vấn” (Hữu Mai) sang tiếng Anh… Ông cũng là một dịch giả tiếng Việt của một số tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng của văn học đương đại như: “Trần trụi giữa bầy sói” (Bruno Apitz, cùng Hoàng Tố Vân), “Hai số phận” (Jeffrey Archer), “Lucky”, “Nửa đêm về sáng”, “Một lần chưa đủ” (Jacqueline Susann); “Cổng vàng”,” Vườn Thượng Hải”, “Phía sau tình yêu”, “Bảo bối Thượng Hải” (Vệ Tuệ)….
Chính với vốn kiến thức như thế, nhạc sĩ Xuân Oanh có thể nói là một nhà ngoại giao văn hóa tài giỏi và uy tín, là một trong số các nhà văn hóa Việt Nam mà nhiều bạn bè và cả những nhà nghiên cứu văn hóa học nước ngoài đến Việt Nam đều muốn tìm gặp để trò chuyện, để tìm hiểu.
Nhưng ở đây, tôi còn muốn nhắc tới một Xuân Oanh nhà báo. Ông là một nhà báo cách mạng thời kỳ đầu của Báo Cứu Quốc - tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay. Hay ở Thông tấn xã Việt Nam, ông là một trong số hiếm hoi phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông Đỗ Lê Châu - con trai nhạc sĩ Xuân Oanh cho biết, năm 1948, nhạc sĩ Xuân Oanh được phân công về báo Cứu Quốc. Tại đây, ông vừa làm biên tập viên, vừa tham gia nhiều khâu công việc khác của một tòa soạn báo, như làm họa sĩ thiết kế, trình bày, minh họa (cùng họa sĩ Trần Đình Thọ, sau là Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam) cho đến làm phóng viên chiến trường, nhân viên xưởng in, phát hành, kiêm luôn thư ký cho Tổng Biên tập Xuân Thủy (sau trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris về Việt Nam từ 1968 đến 1973). Ngoài ra, lãnh đạo còn giao ông làm thêm mục văn nghệ để "vừa giúp bộ đội giải trí, vừa động viên tinh thần chiến đấu của anh em".
Trong thời gian làm báo Cứu Quốc, nhạc sĩ Xuân Oanh vẫn sáng tác âm nhạc. Những ca khúc mới của ông như “Đời văn hóa”, “Cây súng bạn đường”..., đặc biệt là bài hát “Quê hương anh bộ đội” đều đã được in trên báo Cứu Quốc.