Khi Tết đang đến gần thì cũng là lúc công việc của cán bộ Mặt trận tăng lên. Cán bộ Mặt trận, từ lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Trung ương, cho đến những Trưởng ban Công tác Mặt trận cơ sở đều tất bật. Lời khẳng định của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi thăm và chúc Tết bà con các dân tộc tỉnh Hòa Bình: “Mặt trận quyết tâm không để một gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách nào mà không có một tổ chức xã hội, đoàn thể nào đứng ra nhận hỗ trợ” đã thể hiện quyết tâm của ngườ
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã mang theo một chiếc đài nhỏ tặng riêng cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Thủ trong chuyến thăm và tặng quà Tết cho người nghèo tại tỉnh Hoà Bình ngày 14/1/2017. Ảnh: Thành Trung.
Trong chuyến công tác những ngày giáp Tết này, cùng với vai trò của người đứng đầu Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân còn đến với đồng bào Tây Bắc trong ý nghĩa đồng bào. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ân cần nắm đôi tay ông Nguyễn Văn Thủ, dân tộc Mường ở huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), trao món quà của cá nhân Chủ tịch tặng gia đình ông cùng những lời dặn dò làm mọi người xúc động. Một chiếc đài nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn lao. Nó là phương tiện giúp cho gia đình ông bà tiếp cận với những chính sách của Đảng, Nhà nước, có thêm thông tin để học hỏi thêm biện pháp làm ăn, xóa đói giảm nghèo.
Khi nói đến khó khăn, ai cũng nghĩ đến vùng Tây Bắc. Nếu người nghèo khó một, thì người nghèo vùng Tây Bắc khó hai. Địa hình hiểm trở, diện tích đất canh tác hẹp, giao thông chưa thuận tiện, lũ quét, sạt lở đất ập đến bất kể lúc nào… Lại có những địa bàn người dân phải tải đất lên từng hốc đá núi lấy chỗ trồng cây. Nhưng Tây Bắc gian lao mà anh dũng. Xưa người Tây Bắc cùng Đảng, Chính phủ đánh Pháp đuổi Nhật thì nay, người Tây Bắc tích cực tham gia phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản khu vực biên giới”, với nhiều mô hình giữ gìn an ninh trật tự như “Tổ tự quản đường biên, mốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”, “Buôn làng không có người vượt biên trái phép”, “Tiếng kẻng vùng biên”… Và hôm nay, Đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đến với bà con Tây Bắc cũng là đến với vùng khó khăn nhất...
Cùng với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, các vị lãnh đạo khác của MTTQ Việt Nam dịp này cũng đem yêu thương đến với bà con vùng khó khăn. Nơi nào khó có Mặt trận. Khi cái Tết đến gần, thì người nghèo vùng khó lại càng cần đến sự chia sẻ, yêu thương. Những món quà vật chất có thể không làm cho mâm cỗ đêm Giao thừa đầy đặn, nhưng tình cảm sẻ chia, không bao giờ quên người nghèo khó, để ai ai cũng có Tết làm người nghèo ấm lòng, cho dù ngoài trời vẫn là sương sa và gió rét.
Tấm lòng chia sẻ yêu thương có sức lan tỏa rất lớn. Những ngày này, khi Tết càng đến gần, thì các hoạt động nghĩa tình giúp đỡ người nghèo càng sôi nổi hơn trên khắp những nẻo đường đất nước, từ biên giới hải đảo cho đến các đô thị lớn. Tết vì người nghèo, từ phong trào của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã khơi dậy truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái của dân tộc và có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng.
Đúng vào ngày 14/1, khi Bộ đội Biên phòng tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản”, thì ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Câu lạc bộ Liên kết trẻ - Trung tâm tình nguyện quốc gia đã huy động 50 bạn trẻ đã tự tay gói 1.000 chiếc bánh chưng để gửi tới người nghèo. “Gói bánh chưng, gói trọn yêu thương” là thông điệp các bạn muốn chuyển tới mọi người, mong muốn nhân lên những hành động nhân ái qua những chiếc bánh chưng gửi bà con nghèo các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Tĩnh.
Những bạn trẻ ban đầu còn lúng túng, gói bánh chưa đẹp. Nhưng những giọt mồ hôi toát ra trên khuôn mặt các bạn trong thời tiết giá rét đã nói thay tấm lòng nhiệt thành.
Nhiều trường trung học cơ sở, tiểu học cũng đã tổ chức gói bánh, góp gạo để giúp đỡ người nghèo chuẩn bị đón Tết. Những hoạt động thiết thực, vừa giúp đỡ cộng đồng, vừa là những bài học về tình người, về yêu thương dành cho lứa tuổi trên ghế nhà trường.
Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh đã huy động được tới 37.000 “chiến sỹ” thuộc 52 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tham gia chiến dịch “Xuân tình nguyện” với rất nhiều hoạt động phong phú, đa dạng mà cái đích chung để mọi người cùng được đón Tết ấm no, hạnh phúc.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng dành tới 760 tỷ đồng tặng các gia đình chính sách, các hộ gia đình nghèo trong dịpTết Đinh Dậu này. Càng vui hơn, khi được biết, năm nay, các tỉnh thành phố sẽ không bắn pháo hoa, tổ chức Tết vui tươi, tiết kiệm, dành toàn bộ tiền bắn pháo hoa để tặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Khó có thể thống kê hết số lượng các chương trình từ thiện giúp đỡ người nghèo, cũng như các hình thức giúp đỡ người nghèo chuẩn bị đón Tết, từ tặng quà, tặng chăn áo ấm, hỗ trợ gạo, cho đến tặng vé tầu xe miễn phí về quê…
Thông tin về đồng bào giúp đỡ nhau đón Tết làm ấm lòng người trong những ngày giá rét. Cái Tết thực sự là Tết chia sẻ, yêu thương. Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn. Vẫn còn nhiều tỉnh phải xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán. Điều ấy có nghĩa công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn không ít thách thức.
Việc một tỉnh đồng bằng, nhưng đều đặn suốt ba năm nay, năm nào cũng có đơn “xin” Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói, cho thấy vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Từ chuyện ấy, lại nhớ đến những dãy núi mù sương, những con đường mong manh như sợi chỉ vắt trên sườn núi, mới chỉ nhìn thôi cũng đã chóng mặt của miền núi; nhớ lại cảnh cây ngô lay lắt sống trong những hốc đá, và nghĩ đến cảnh nước ngập mênh mang ở Nam Trung Bộ mùa lũ vừa rồi... Vậy mà nhiều tỉnh như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Nam… tự túc được lương thực, không phải xin cứu đói...
Tết sẻ chia, Tết yêu thương, nhưng cũng là lúc nhìn lại vòng quay của một năm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo.