Sau nhiều cuộc đàm phán, cuối cùng thì chủ công trẻ chưa đầy 20 tuổi Trần Thị Thanh Thúy vừa đầu quân cho CLB Attack Line của Đài Loan trong mùa giải 2017-2018. Đây là một bước ngoặt quan trọng với chân dài bóng chuyền cao 1m90 này, và cũng mở ra cơ hội tiếp cận bóng chuyền châu lục của nhiều VĐV trẻ tài năng khác của Việt Nam, khi mà chúng ta không còn chỉ biết “xuất khẩu” VĐV chơi cho các đội bóng khu vực, mà đã tới tầm châu Á.
VĐV Trần Thị Thanh Thúy.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Thanh Thúy là cái tên nổi bật nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam, ở cả cấp CLB, tuyển trẻ, U23 và đội tuyển quốc gia. Sau khi lứa Ngọc Hoa, Kim Huệ, Bùi Thị Huệ… đã và đang lui dần về hậu trường, sự trưởng thành vượt bậc của Thanh Thúy được xem như “lớp sóng sau” hoàn hảo. Thực tế, Thanh Thúy có đủ những tố chất và cơ hội phát triển để vượt xa đàn chị. Điều đặc biệt là Thúy “cò” tiến bộ từng ngày, và cô gái vừa bước qua tuổi 19 ghi dấu ấn trong hầu hết các giải đấu quốc tế tầm châu lục, thậm chí thế giới những năm gần đây.
Từ bàn đạp ấy, việc Thanh Thúy được CLB Attack Line của Đài Loan mời về đầu quân không phải là điều gì đó quá bất ngờ. Bắt đầu từ tháng 10, Thanh Thúy chính thức khoác áo CLB nổi tiếng Attack Line, với thời hạn 1 năm, mức lương là 4.000 USD/tháng. Trước đó, hàng loạt CLB ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippine và đặc biệt là nhà vô địch Thái Lan Bangkok Glass “xếp hàng” mời Thanh Thúy về thi đấu, nhưng cô gái cao 1m90 đã từ chối. Lý do mà Thúy đưa ra quyết định không phải là mức lương cao mà CLB ở Đài Loan trả, mà đây chính là môi trường tốt nhất để VĐV người Việt Nam được chơi bóng ở sân chơi châu Á.
Lâu nay, bóng chuyền Việt Nam chỉ quen với chuyện tiếp nhận VĐV Thái Lan và nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ đến khoác áo các CLB ở giải VĐQG, giải hạng A. Thế nhưng, sau khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam quyết định “đóng cửa” đối với ngoại binh, đến lượt các đội bóng Việt Nam có cơ hội xuất khẩu VĐV ra nước ngoài. Trong xu thế phát triển mới, điều này cũng sẽ giúp bóng chuyền nữ nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung nâng cao vị thế của mình trong nỗ lực vươn lên tầm cao châu Á.
Chính Thanh Thúy cũng từng sang Thái Lan “đánh thuê” trong một nửa mùa giải. Trong khi đó, trường hợp xuất ngoại đầu tiên là của chủ công Ngô Văn Kiều thi đấu ở giải vô địch Indonesia năm 2008. Sau đó lần lượt những tay đập hàng đầu như Đỗ Thị Minh và Kim Liên và gần nhất là Ngọc Hoa cũng sang Thái Lan thi đấu.
Tất nhiên, dù có là VĐV hàng đầu Việt Nam nhưng không phải ai cũng được tạo điều kiện thuận lợi để ra nước ngoài thi đấu và trải nghiệm môi trường thể thao quốc tế, trường hợp của phụ công Phạm Kim Huệ là một ví dụ. Tay đập đội Ngân hàng Công thương chia sẻ trong tiếc nuối: “Điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao chính là việc chưa thể một lần được đi đấu thuê ở nước ngoài”. Bùi Thị Ngà và chuyền hai Nguyễn Linh Chi của Thông Tin Liên Việt Postbank cũng từng được các tuyển trạch viên Thái Lan lưu tâm, nhưng cũng chưa được đơn vị chủ quản cho xuất ngoại.
Vẫn còn có những cơ chế hoặc CLB tìm mọi cách gây khó dễ không để mất quân vì căn bệnh thành tích. Nếu các đội bóng đều nghĩ “thoáng” hơn, thì bóng chuyền Việt Nam có lẽ đã phát triển giống như Thái Lan- quốc gia “xuất khẩu” VĐV bóng chuyền có tiếng. Cũng chính vì có nhiều VĐV được ra nước ngoài thi đấu, mà bóng chuyền Thái Lan đang nằm trong tốp đầu thế giới, chứ không còn ở tầm châu Á hay khu vực Đông Nam Á nữa.