Kinh tế

Xuất khẩu cà phê bộc lộ tín hiệu khả quan

Khanh Lê 28/05/2025 08:30

Theo số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tính đến giữa tháng 5/2025, Việt Nam xuất khẩu 736.583 tấn cà phê với kim ngạch đạt 4,2 tỷ USD. Dù giảm 5,5% về lượng nhưng nhờ giá xuất khẩu cà phê trung bình tăng cao nên kim ngạch tăng tới 56% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 27/5, ghi nhận tại khu vực Tây Nguyên, giá cà phê dao động trong khoảng 122.000 - 122.500 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk có mức giá 122.500 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai không thay đổi và được giao dịch ở mốc 122.500 đồng/kg...

Giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên hiện ở mức thấp nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây, ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp. So với tuần trước, giá cà phê nội địa đã giảm mạnh từ 2.500 - 2.700 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do giao dịch chậm lại và nguồn cung gia tăng từ các nước sản xuất Robusta lớn như Brazil và Indonesia. Dù sản lượng từ 2 quốc gia này chưa dồi dào, nhưng việc bắt đầu thu hoạch báo hiệu nguồn cung sẽ tiếp tục tăng, gây áp lực lên giá. Như vậy tính trung bình, giá cà phê nội địa hiện duy trì quanh mức 122.400 đồng/kg. Đây được xem là mức giá thấp nhất trong vòng 1 tuần qua, phản ánh tâm lý thận trọng từ phía các đầu mối thu mua, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa có chuyển biến tích cực.

Các chuyên gia nhận định, việc giá cà phê duy trì đi ngang trong ngắn hạn được cho là phản ánh trạng thái cân bằng tạm thời cung – cầu. Trong khi lực bán từ các nước xuất khẩu chính như Brazil, Việt Nam vẫn khá lớn thì nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ lại chưa thực sự sôi động.

Do đó, một số dự báo cho rằng trong vài phiên tới, giá cà phê trong nước có thể tiếp tục xu hướng giảm nhẹ nếu thị trường xuất khẩu không ghi nhận tín hiệu phục hồi rõ rệt.

Mặc dù giá cà phê giảm, song ông Lê Đức Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, lượng cà phê tồn trong dân hiện nay không còn nhiều. Với kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025 lên tới 3,8 tỷ USD, dự báo ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể chạm mốc 7 tỷ USD trong năm 2025.

Một bước ngoặt quan trọng đến từ việc Việt Nam được EU xếp vào nhóm quốc gia “rủi ro thấp” trong danh sách phân loại theo Quy định chống mất rừng (EUDR). Đây là quy định sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2024, cấm nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có cà phê nếu quá trình sản xuất gây mất rừng.

Việc được phân loại “rủi ro thấp” giúp giảm tần suất kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU. Cụ thể, chỉ 1% các lô hàng cà phê từ Việt Nam bị kiểm tra ngẫu nhiên, so với 3% và 9% đối với các quốc gia “rủi ro tiêu chuẩn” và “rủi ro cao”. Điều này không chỉ rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí, mà còn tăng độ tin cậy của đối tác quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam.

Ông Lê Đức Huy – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của công ty sang EU tăng trưởng từ 60–70%, nhờ giá bán tăng và chất lượng cà phê Robusta Việt Nam được đánh giá cao. Theo ông Huy, EUDR là một thách thức nhưng cũng là động lực để ngành cà phê chuyển mình theo hướng bền vững hơn. Doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng bản đồ số và làm việc chặt chẽ với các hộ nông dân trong vùng nguyên liệu để đáp ứng các yêu cầu mới.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Nhu cầu nhập khẩu của EU rất lớn và nguồn cung cấp gần như hoàn toàn từ cà phê Robusta của Việt Nam. Cà phê Robusta Việt Nam có vị thế tương đối vững chắc, không thể thay thế trên thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu cà phê bộc lộ tín hiệu khả quan