Hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2019. Trong đó áp lực lớn nhất là mặt hàng nông sản.
Nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ảnh: Tuoitre.vn.
Một dự báo mới nhất từ Bộ Công thương cho biết, những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng song khó có thể bứt phá mạnh.
Trong đó nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được nhìn nhận đối mặt với nhiều thách thức. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến xuất khẩu? Theo các chuyên gia kinh tế, thứ nhất, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Do vậy các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu, trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Thứ hai, các diễn biến của thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang khiến cho việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam khó khăn. Số liệu thống kê cho biết, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái là gạo, cá đông lạnh, cao su thiên nhiên, rau quả.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7-2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 7,16% so với cùng kỳ năm 2018, riêng tháng 7-2019 đạt 144,29 triệu USD, giảm đến 19,88% so với tháng 6-2019 và giảm 43,61% so với tháng 7-2018. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này liên tục được ghi nhận sự tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân trên 32% trong giai đoạn 2011-2016.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại thì mức độ cam kết về mặt mở cửa thị trường, dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sâu hơn và áp dụng cho tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng khó đàm phán như nông lâm thủy sản.
Theo ông Phòng, các hiệp định thương mại hỗ trợ cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thủy sản Việt Nam. Nhưng bên cạnh cơ hội rất lớn cũng là những thách thức đáng kể, nhất là việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy tắc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để được hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, những cam kết về mặt môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động thay đổi quy trình sản xuất, chế biến và nâng cao năng lực quản trị…
Giới chuyên gia cũng phân tích, sản phẩm nông sản Việt Nam nói riêng cũng như hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nói chung luôn gặp bất cập trong chất lượng, truy xuất nguồn gốc.Cùng với đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%.
Vì vậy, muốn vươn ra các thị trường lớn, bắt buộc hàng hoá Việt Nam phải nâng cao chất lượng.