Kinh tế

Xuất khẩu lao động: Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào miền núi

Tấn Thành - Chí Đại 20/05/2025 11:14

Những năm qua tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, việc đưa người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài mang lại kết quả đáng kể.

Anh bai tren
Ngành chức năng hướng dẫn người dân chuẩn bị đi lao động ở nước ngoài. Ảnh: Chí Đại.

Tại huyện miền núi Nam Giang hiện có hơn 200 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các nước như Lào, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Nguồn tiền của những người đi XKLĐ gửi về, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, mở cửa hàng kinh doanh, làm dịch vụ và phát triển kinh tế nông trại để tăng thu nhập. Từ đó, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Như tại xã La Dêê (huyện Nam Giang), nhiều người sau khi đi XKLĐ trở về không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn đầu tư vào kinh doanh, buôn bán, có cuộc sống tốt hơn. Anh Tơ Ngôl Như (ở xã La Dêê cho biết: Qua bên nước bạn Lào, công việc của tôi là chăm sóc và thu hoạch cây chuối. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho tôi chỗ ăn, ở nên rất yên tâm. Mỗi tháng tôi gửi về nhà từ 13 đến 15 triệu đồng và khi trở về tôi có vốn để lo cho cuộc sống của gia đình mình được ổn định.

Ông Brao Tuân - Phó Chủ tịch UBND xã La Dêê cho biết: Hiện nay xã có hơn 460 hộ thì đã có 30 người XKLĐ ở các nước như Lào, Nhật Bản. Nhờ XKLĐ họ đã có thu nhập khá giúp cho cuộc sống của gia đình thay đổi đáng kể. Còn tại địa phương, chính quyền luôn tạo điều kiện, hỗ trợ sinh kế, cây giống, vật nuôi giúp các hộ tăng gia sản xuất nhằm có thu nhập ổn định cuộc sống. “Đây là chủ trương được Đảng ủy, HĐND, UBND, các ngành, đoàn thể luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ gia đình xóa nghèo bền vững” - ông Tuân nói.

Theo ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, trước khi XKLĐ, bà con được chính quyền phối hợp với các đơn vị liên quan đào tạo nghề, giúp cho người lao động có kiến thức và kỹ năng tham gia vào thị trường lao động. Địa phương đã có khoảng 215 người đi XKLĐ tại một số thị trường ở Nhật Bản, Lào, Đài Loan (Trung Quốc). Trong năm 2025, chúng tôi đã lập kế hoạch đưa đi XKLĐ đối với những người có nhu cầu.

Còn tại huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), anh Hồ Văn Kao và vợ là chị Hồ Thị Nhiều (ở thôn 1, xã Trà Mai) cho biết, ngay khi UBND huyện thông tin về thời gian, số lượng tuyển dụng lao động để sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình lao động thời vụ ở lĩnh vực nông nghiệp với thời gian khoảng 6 tháng, vợ chồng anh đã nộp hồ sơ ứng tuyển và đã được xét duyệt thành công.

“Tôi có người nhà đã đi XKLĐ ở Hàn Quốc và thấy cuộc sống của họ đổi thay khi trở về quê nên vợ chồng tôi rất yên tâm. Hy vọng khi kết thúc thời gian lao động trở về chúng tôi sẽ có thêm thu nhập để lo cho con cái ăn học” - anh Kao nói.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về XKLĐ. Trong đó, chú trọng việc nhân rộng các điển hình những trường hợp đầu tiên đi XKLĐ về quê làm ăn hiệu quả. Từ đó, người dân hiểu được lợi ích của việc XKLĐ và chủ động đăng ký tham gia trong các đợt tuyển dụng.

“Để giữ nguồn vốn cho người đi XKLĐ, tránh trường hợp người đi làm vất vả, còn người ở nhà thì tiêu xài hoang phí, huyện đã thống nhất với các hộ mở thẻ ngân hàng. Đồng thời mỗi tháng, 1 hộ chỉ được rút tối đa 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhờ đó, giúp người đi lao động ở nước ngoài trở về có vốn xây nhà, mua sắm và đầu tư làm ăn” - ông Dũng thông tin.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác XKLĐ theo hợp đồng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc vận động, tuyên truyền của các tổ chức, hội, đoàn thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền và người lao động. Tính đến ngày 12/5/2025 có 605 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó như ở Nhật Bản có 532 lao động, Hàn Quốc 38 lao động…

“Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ đưa ít nhất 100 người đi XKLĐ tại Hàn Quốc, đồng thời phối hợp với Trường Cao đẳng Thaco tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và nâng cao số lượng lao động đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Lào, Campuchia… phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 lao động. Tổ chức ít nhất 2 đoàn công tác để mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nhân lực với các địa phương thiếu hụt nhân lực của nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...” - ông Quý thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động: Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào miền núi