Dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, nhiều hoạt động đang trở lại bình thường, nhiều nước đã có chính sách mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài. Đây là những tín hiệu tốt đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
Thị trường lao động hồi phục
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2021 là 776 lao động (18 lao động nữ) và bằng 22,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính từ đầu năm đến tháng 9/2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên hiện nay đã có những tín hiệu khả quan cả trong và ngoài nước. Điển hình như, sau một thời gian dài áp dụng chính sách cấm nhập cảnh để phòng, chống dịch Covid-19, từ đầu tháng 10/2021, chính phủ Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại Tokyo và 18 khu vực khác. Nhật Bản cũng đã nới lỏng các quy định nhập cảnh và quy trình cách ly đối với du khách và lao động nước ngoài; Đồng thời, bắt đầu mở cửa dần để tiếp nhận lao động nước ngoài theo các diện thực tập sinh, kỹ sư, kỹ thuật viên, điều dưỡng…
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng ban hành hàng loạt các chính sách tăng lương, hỗ trợ, tạo điều kiện cho lao động nước ngoài tại nước này. Những động thái trên nhằm ổn định thị trường lao động tại Nhật Bản nhưng cũng mở ra cơ hội lớn đối với lao động Việt Nam. Ngoài thị trường Nhật Bản, một số thị trường truyền thống của Việt Nam như: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông và một số nước châu Âu cũng đã bắt đầu tiếp nhận trở lại đối với lao động Việt Nam, đồng thời có một số thay đổi về chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho lao động nhập cảnh.
“Từ 1/10, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các quy định về cách ly đối với những người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm ngừa Covid-19. Các trường hợp đã được tiêm phòng Covid -19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày, giảm 4 ngày so với quy định trước đó. Tuy nhiên, đối với thực tập sinh Việt Nam, đến nay phía Nhật chưa có lịch nhập cảnh cụ thể. Dự kiến, sớm nhất là trong tháng 11, hai bên sẽ nối lại thị trường tùy thuộc vào kiểm soát dịch bệnh và tốc độ tiêm vaccine ở Việt Nam” - ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Doanh nghiệp và người lao động nín thở chờ
Dù đã được công ty cung cấp thông tin về Nhật Bản mở cửa đón lao động nước ngoài nhưng chị Nguyễn Thị Hà (Phú Thọ) vẫn không khỏi lo lắng. Trúng tuyển đơn hàng đi làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến thực phẩm từ tháng 10/2020 nhưng đến nay chị Hà cùng 20 người khác vẫn chưa được xuất cảnh vì dịch.
“Để có tiền đăng ký học tiếng và các chi phí khác, gia đình tôi đã phải vay ngân hàng nhưng vì dịch nên bị kẹt lại, không thể đi. Trong thời gian không xuất cảnh cũng không không dám đi kiếm việc khác, chỉ lo học tiếng. Tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine giờ chỉ mong sớm được hoàn tất thủ tục xuất cảnh sang Nhật” – Chị Hà chia sẻ.
Thông tin nhiều thị trường mở cửa, trong đó có Nhật Bản là tín hiệu đáng mừng đối với doanh nghiệp (DN), dù vậy nhiều DN vẫn không khỏi thấp thỏm lo lắng. “Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường XKLĐ quan trọng nhất của Việt Nam. Vì thế, việc nới lỏng chính sách nhập cảnh của chính phủ Nhật sẽ là động lực quan trọng, xóa bỏ tình trạng ảm đạm mấy tháng vừa qua. Các DN và NLĐ đều đang chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đáp ứng các quy định xuất nhập cảnh mới. Tuy nhiên nếu NLĐ đi XKLĐ được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine thì cơ hội sẽ lớn hơn vì nhiều thị trường hiện ưu tiên những lao động đã tiêm đủ vaccine” – bà Nguyễn Thị Hải Vân - Công ty Cổ phần quốc tế TMC cho biết.
Đây cũng là mong muốn của đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long. Trước thông tin phía Nhật Bản chuẩn bị mở cửa đón nhận lao động nước ngoài, phía công ty đã lên phương án sẵn sàng đưa lao động đi xuất cảnh. Tuy nhiên để DN nắm bắt tốt cơ hội, đại diện Công ty Hoàng Long cho rằng, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong đó là chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Thực tế nhiều DN Nhật Bản chuyển sang ưu tiên lao động ở các nước kiểm soát dịch tốt hơn. Do vậy việc ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động rất quan trọng, tiếp đến cần có những chính sách phòng, chống dịch phù hợp để DN dễ dàng thực hiện tuyển lao động mới. Bởi hiện nay DN không chỉ bị khó đầu ra mà ngay khâu tuyển dụng cũng chật vật vì các địa phương thực hiện giãn cách.
Do tác động của dịch bệnh, nhiều DN của nước tiếp nhận lao động phải điều chỉnh quy mô hoạt động, thu hẹp và sản xuất, cắt giảm số lượng lao động đang làm việc cũng như giảm hoặc hủy bỏ nhu cầu tiếp nhận lao động mới từ nước ngoài. Năm 2021, Bộ LĐTB&XH đưa ra mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm hơn so với chỉ tiêu năm 2020 là 40.000 lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức.