Tháng 1 năm nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đều giảm đáng kể. Tuy nhiên ngành hàng rau quả vẫn tăng trưởng dương. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2023 xuất khẩu rau quả tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022 và đã đạt giá trị 300 triệu USD.
Liên tiếp tin vui
Thông tin từ Bộ NNPTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1/2023 ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu khoảng 3,72 tỷ USD, giảm 23,6%; nhập khẩu ước khoảng 3,1 tỷ USD, giảm 11,5%.
Xuất khẩu nông sản tháng 1/2023 các mặt hàng từ cá tra, các sản phẩm từ gỗ và gỗ, cà phê đều sụt giảm mạnh tuy nhiên tháng 1 lại ghi nhận tăng trưởng dương với mặt hàng rau quả. Xuất khẩu rau quả tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022 và đã đạt giá trị 300 triệu USD.
Theo các chuyên gia, sự mở cửa thương mại bình thường trở lại sau Covid-19 của thị trường Trung Quốc cùng với đó nhiều thị trường lớn được mở như: Nhật Bản, New Zealand… chính là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng cho mặt hàng này.
Thực tế tháng 1 tại các cửa khẩu ghi nhận sự nhộn nhịp hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, rau quả là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tại Lạng Sơn theo thống kê của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VI, từ ngày 1/1 đến hết ngày 13/2/2023 (khoảng 1 tháng rưỡi), đã có 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh, trong thời gian nói trên, Hải quan cửa khẩu đã làm thủ tục xuất khẩu 827 lô hàng hoa quả với gần 155.000 tấn, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch đạt hơn 48 triệu USD.
Còn tại Lào Cai, ông Vương Trịnh Quốc - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong tháng 1 có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%.
Cùng với thị trường Trung Quốc, ngành rau, quả cũng liên tiếp đón tin vui khi một số loại hoa quả được cấp phép xuất khẩu vào những thị trường lớn. Điển hình, ngày 3/1 tại Long An, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023. Ngày 5/1, sản phẩm cam của các tổ hợp tác ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lần đầu tiên sang Anh với khối lượng 7 tấn…
Kỳ vọng cán mốc 4 tỷ USD
Với đà tăng trưởng này, các chuyên gia dự báo, năm 2023, rau, quả tiếp tục có nhiều lợi thế xuất khẩu với kỳ vọng kim ngạch sẽ vượt con số 3,34 tỷ USD năm 2022 để cán mốc 4 tỷ USD.
Với cú “lội ngược dòng” trong tháng 1 ngành rau quả được kỳ vọng sẽ cán mốc 4 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ hội thì ngành rau quả nước nhà đang đối mặt với những sức ép mới và đòi hỏi ngành hàng này phải có những đổi mới về chất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, năm 2023 ngành xuất khẩu rau, quả của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hiện Việt Nam còn tới 7/12 mặt hàng chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.
Một vấn đề nữa được ông Nguyên đặt ra là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói khá dài. Ví dụ như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.
Để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thành Nam cho biết, mới đây Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. “Nếu doanh nghiệp của chúng ta không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì đây là thách thức trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc” - ông Nam nói.
Với thị trường EU, ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU cho hay, mỗi năm thị trường này nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần mà thị trường này đang nhập khẩu.