Sau khi sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng thì nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại, đạt gần 287 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Đà tăng này đã tiếp thêm sự lạc quan và nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp.
Trong tháng 1, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, bởi nếu như năm ngoái đơn hàng được ký tới tấp sau Tết thì năm nay vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng chờ đơn hàng. Nguyên nhân là do lạm phát đang tác động đến phần lớn người tiêu dùng có thu nhập trung bình nên các sản phẩm thuỷ sản chế biến của Việt Nam hướng đến đối tượng này bị giảm mạnh.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) dự báo, tình trạng thiếu đơn hàng, giảm giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý I. Trong bối cảnh đó, DN thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu chờ thị trường tiêu thụ hồi phục vào quý II.
Tuy nhiên, sự phục hồi đã đến sớm hơn. Trước đó, mặc dù sụt giảm nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Philippines, Indonesia, Brunei vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng lên 10,4% từ mức 7,13% của năm 2022.
Dự báo, ASEAN vẫn là thị trường thủy sản tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này được dự báo tiếp tục tăng lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và sẽ tăng lên 61,5 kg/người/năm tới năm 2050.
Xuất khẩu thủy sản cũng đặt kỳ vọng vào Trung Quốc khi thị trường này mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi này được đánh giá là phải từ quý II/2023. Cùng với đó, ngành thủy sản có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Trung Đông đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong 8 tháng năm 2022 tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 66 triệu USD, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.
Ngoài ra, theo một số DN xuất khẩu thì thủy sản là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu chỉ sau lương thực nên dù bối cảnh nào thì người tiêu dùng cũng cần sử dụng đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, thu nhập giảm sút thì họ sẽ có điều chỉnh phân khúc sản phẩm phù hợp. Và các sản phẩm bình dân, có giá cả phải chăng sẽ vẫn có lợi thế.
Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Vasep, để hướng tới mục tiêu đó, DN thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu để khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng ngay.
Ngoài ra, các DN cũng phải linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu. Cần chuyển dịch chiến lược phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cho sản xuất xanh nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn... về môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong vấn đề tiêu dùng và nhập khẩu của các quốc gia phát triển.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Vasep, các doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng từ quý 2/2023. Theo kịch bản khả quan đó, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về 10 tỷ USD.