Xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 9/2021 tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ do tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, gây gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, tình hình được cải thiện phần nào ở nửa cuối tháng sau khi nới lỏng giãn cách.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9/2021 đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục giảm, mạnh nhất là Trung Quốc (giảm gần 50%); Nhật Bản, Canada, Anh, Australia cũng giảm từ 35-45%. EU và Nga giảm trên 15%, Hàn Quốc giảm 5%...
Tuy nhiên, tín hiệu vui trong tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã hồi phục với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 159 triệu USD. Và mặc dù nhìn chung xuất khẩu thủy sản giảm nhưng xuất khẩu tôm trong 9 tháng qua cũng đạt 2,76 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Còn xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỷ USD, tăng 3,2%.
Theo VASEP, sản xuất và xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu hồi phục, nhất là tại các tỉnh trọng điểm về tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh ven biển miền Trung.
Ngành thủy sản đang kỳ vọng từ tháng 10 sẽ khả quan hơn khi “mở cửa” ở TP Hồ Chí Minh cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế kiểu “nửa mở nửa đóng” ở các địa phương và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 như những ngày qua cho thấy, chặng đường phục hồi sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn nhiều chông chênh.
Trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn bùng phát mạnh ở các tỉnh sản xuất thủy sản trọng điểm thì tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giảm, ít nhất là 25% so với cùng kỳ.
Theo các doanh nghiệp thuỷ sản ở vùng ĐBSCL, những tháng cuối năm thị trường ngành thuỷ sản rất sôi động, nhu cầu sử dụng luôn tăng cao do có các lễ hội và ngày Tết. Tuy nhiên, chỉ còn 2 tháng cuối năm dù có nỗ lực thích ứng thì khả năng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng chỉ tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Và với đà này, xuất khẩu thủy sản năm 2021 khả quan nhất là bằng năm 2020, đạt 8,4 tỷ USD. Thậm chí, sẽ ở dưới mức 8,4 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn và các biện pháp phòng chống siết chặt sản xuất trở lại.