Ngày 20/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Hội nghị kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu chính (Nhà Quốc hội).
Tới dự hội nghị tại điểm cầu chính còn có: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư; cùng 1,2 triệu đại biểu tại 14.934 điểm cầu trên cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tại điểm cầu tỉnh Long An.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 và về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đất nước bước vào giai đoạn có nhiều thời cơ, đi kèm với những khó khăn. Nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi. Do đó Chính phủ đã tập trung ưu tiên cho tăng trưởng, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá. Tình hình thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, nhất là cơn bão số 3 xảy ra tại các tỉnh miền Bắc đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên kết quả năm 2024 có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nếu GDP cả năm đạt 7% thì vượt và đạt cả 15/15 chỉ tiêu, còn GDP cả năm không đạt 7% thì vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, đưa vào khai thác sử dụng hơn 2000 km đường cao tốc. Đời sống nhân dân được nâng lên cả về tinh thần và vật chất. Đã đành nhiều nguồn lực để tăng lương cơ bản 30%, mức cao nhất từ trước đến nay. Dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do bão lũ. Trong cơn bão số 3, MTTQ Việt Nam đã kêu gọi được hơn 2000 tỷ; phát động chương trình chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát, không để nhân dân còn ở tỏng nhà tạm, nhà dột nát. Chương trình tuy mới phát động nhưng đã huy động được hơn 6 nghìn tỷ để xoá nhà tạm, nhà dột nát. dịch covid-19 hàng chục nghìn tỷ. Công tác đối ngoại được mở rộng, đi đâu cũng được chào đón, hoan nghênh.
Theo Thủ tướng, dự kiến cả giai đoạn 2021-2025 GDP phấn đấu đạt 6% năm. Trong khi các nước trên thế giới bị sụt giảm, ngay các nước trong khu vực tăng trưởng cũng chỉ đạt từ 4-4,2%. Vì vậy mức tăng trưởng của Việt Nam như vậy là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đã đứng thứ 34 thế giới, xếp trên Đan mạch (đứng thứ 35). Phấn đấu xếp thứ 33 thế giới nếu tăng trưởng đạt 500 tỷ USD vào năm 2025.
Điểm sáng được Thủ tướng khái quát khi cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Đánh giá chung trên tất cả các lĩnh vực chúng ta đã vượt qua mức trung bình thấp. Chỉ số hạnh phúc của nhân dân tăng 11 bậc so với năm 2023. Năng suất lao động tổng hợp năm 2024 đã đạt sau 3 năm không đạt.
Về dự kiến năm 2025, Thủ tướng cho biết có những khó khăn thách thức vẫn đang hiện hữu khi tình tình thế giới chuyển biến phức tạp, khó lường, khó khăn hơn. Khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. Do đó phải thực hiện các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. “Càng khó khăn thì tinh thần tự lực, tự cường càng có ý nghĩa để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Quyết tâm cao, hành động phải quyết liệt”-Thủ tướng nêu rõ và cho biết dự kiến GDP đặt ra ở mức 6,5-7% và phấn đấu đạt 7-7,5% để hết năm 2025 đạt Top 33 thế giới.
Đề cập đến vấn đề giải pháp, Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện thể chế để phát triển. Thể chế phải phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Tinh thần là địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm, tăng cường phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của hội nghị trung 10. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi số phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người. Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, trong đó, tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi, điện toán đám mây, internet vạn vật. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại các mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cuòng tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ngân sách thu đủ chi, làm sao thặng dư, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của địa phương.
Về dự án đường sắt cao tốc trục Bắc-Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chiến lược về hạ tầng, tạo sự thuận lợi cho người dân trong đi lại, tạo ra phát triển các đô thị mới. “Trước chúng ta đã đặt ra vấn đề nhưng còn hó khăn, GDP lúc đó chỉ hơn 100 tỷ USD thì giờ đã gấp 3-4 lần và có dư địa. Nguồn lực được xác định từ trung ương, địa phương, đi vay, hợp tác công tư, phát hành trái phiếu. Đây là vấn đề phải làm, và thực hiện bằng được”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng truyền đạt “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”.
Theo ông Thắng, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội lần này sẽ đánh giá về quá trình phát triển của đất nước trong 40 năm qua. Báo cáo không chỉ 1 nhiệm kỳ mà còn gắn với nhiều nhiệm kỳ, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Đây là Đại hội quan trọng, dấu mốc quan trọng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Thực hiện cho được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là đưa đất nước phát triển sánh vai với các nước cường quốc năm châu.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng thông tin, Báo cáo nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh quá trình sản xuất mới, trọng tâm là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Xây dựng hoàn thiện thể chế chính trị, tập trung đổi mới thể chế kinh tế để phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực, huy động nguồn lực, xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra các nguồn lực mới.