1.510 đại biểu tham dự Đại hội XII của Đảng

M.Loan 18/01/2016 21:45

Sáng 18-1, ngay sau lễ cắt băng khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội  Đảng XII, đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chủ trì lễ khai trương và họp báo. Cùng dự có Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; Phó Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh- Phó Giám đốc Trung tâm báo chí; Phó ban Tổ chức Trun

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và các đại biểu cắt băng khai trương Trung tâm Báo chí

Xác định phương hướng, mục tiêu phát triển giai đoạn tới

Thực hiện Điều lệ Đảng, Hội nghị lần thứ 13 BCH Trung ương khóa XI đã quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 28-1 năm 2016, tại Hà Nội. Đây là Đại hội thường kỳ, 5 năm tổ chức một lần. Đại hội đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới đất nước, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh thông báo.

Chủ đề của Đại hội là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tại Đại hội, 1.510 đại biểu sẽ thảo luận, thông qua các văn kiện quan trọng như: Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương khóa XI; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương khóa XI; Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Đại hội cũng sẽ bầu BCH Trung ương khóa XII, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.

Dự kiến BCH Trung ương sẽ gồm 200 ủy viên trong đó khoảng 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết- thông tin trên được Phó ban Tổ chức Trung ương đưa ra tại họp báo.

Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa XII sẽ chủ trì họp báo sau khi kết thúc Đại hội- Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

Không căn cứ vào mạng xã hội để suy diễn công tác nhân sự

Theo ông Trương Minh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông, sau Hội nghị Trung vương 14 trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên không nên căn cứ các thông tin trên mạng để suy diễn công tác nhân sự của Đại hội Đảng XII. Công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng XII được thực hiện đúng quy trình, dân chủ, nghiêm túc và đúng quy định của Đảng. Việc nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, các vị trí chủ chốt, các vị trí quan trọng sẽ được công bố sau khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự và việc cung cấp thông tin về về vấn đề này cho các cơ quan truyền thông tại Đại hội, ông Mai Văn Chính- Phó ban Tổ chức Trung ương thông tin: Sau khi bầu xong Ban chấp hành Trung ương thì BCH Trung ương sẽ họp phiên thứ nhất để bầu ra Bộ Chính trị, bầu ra Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Sau khi bầu sẽ báo cáo tại Đại hội và sau đó sẽ có họp báo để công bố.

Đối ngoại đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc

Tại họp báo, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết các định hướng lớn trong đường lối đối ngoại của Đảng ta sẽ được kế thừa tại Đại hội XI và kế thừa qua các Đại hội, phát triển lên. Mục tiêu là đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc, dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đường lối đối ngoại cũng nhằm mục tiêu góp phần giữ gìn môi trường hòa bình để ổn định phát triển đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tiếp tục nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò và thể hiện vai trò có trách nhiệm của mình trong các cơ chế đa phương; góp phần mình vào việc hình thành các định chế quốc tế góp phần vào giữ gìn môi trường hòa bình. Việt Nam cũng sẽ triển khai mạnh mẽ chủ trương định hướng chiến lược hội nhập quốc tế trong đó định hướng hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Chúng tôi coi đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến, khó lường rất phức tạp nhưng chúng ta đã xử lý, tăng cường thúc đẩy mối quan hệ với các nước trong khu vực, các nước láng giềng, các đối tác lớn, các đối tác quan trọng đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu bằng việc kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt sách lược, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; đồng thời giương cao ngọn cờ hòa bình, công lý với tinh thần nhất quán của Việt Nam, chủ trương giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, rất nỗ lực kết thúc EVFTA, FTA với nhiều quốc gia, kết thúc đàm phán TPP, tham gia có trách nhiệm, hiệu quả trong các định chế quốc tế- mở ra không gian đầu tư lớn ở Việt Nam.

Hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 228 chính đảng thuộc 112 nước trên khắp các châu lục.

26 triệu lượt ý kiến của nhân dân góp ý về Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế- xã hội

Tại buổi họp báo, ông Lê Quang Vĩnh- Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết: Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - xã hội đã có tới 26 triệu lượt ý kiến góp ý. Trước hết là các ý kiến của Đại hội Đảng bộ các cấp, của ĐBQH khóa 13, của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài. Các ý kiến rất phong phú, đề cập đến tất cả các lĩnh vực. Trong đó nhiều ý kiến tập trung góp ý về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt về tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, phòng chống tham nhũng. “Nhiều ý kiến hết sức tâm huyết về xây dựng Đảng, tập trung vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh- ông Vĩnh nói. Cùng đó nổi lên là các ý kiến về việc làm sao bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tình hình mới, trong đó có cả vấn đề Biển Đông.
Ông Lê Quang Vĩnh cũng nhấn mạnh: Các ý kiến góp ý đã được Trung ương Đảng chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu tối đa để có thể hoàn thiện các văn kiện và văn kiện trình Đại hội XII tới đây dựa trên cơ sở đã được tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    1.510 đại biểu tham dự Đại hội XII của Đảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO