Tuần qua là một tuần nóng bởi thủy điện, với 3 quyết định rất quan trọng liên quan, chỉ trong 2 ngày 26 và 27/11. Đó là quyết định của Bộ Công thương với Thủy điện Thượng Nhật, quyết định của tỉnh Quảng Nam, quyết định của tỉnh Nghệ An.
Vụ thứ nhất: Chiều tối ngày 27/11, Bộ Công thương cho biết Cục Điều tiết điện lực đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-ĐTĐL về việc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (tại tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Lý do: Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đã vi phạm các quy định của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP. Cụ thể vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định, không thực hiện quan trắc theo quy định.
Trước đó, ngày 25/11, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam đối với các hành vi nêu trên với tổng số tiền vi phạm 130 triệu đồng.
Vụ thứ hai: Ngày 26/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thu hồi quyết định cho Công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, vào ngày 20/11, cũng chính UBND tỉnh này có quyết định cho Công ty cổ phần tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2. Đó là quyết định cho thuê đất đợt 2, nằm trong nhóm 36 thủy điện vừa và nhỏ được HĐND tỉnh Quảng Nam rà soát, loại bỏ bớt (so với quy hoạch 42 thủy điện vừa và nhỏ trước đây).
Vụ thứ ba: Cũng trong ngày 26/11, tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất dừng cấp phép xây mới thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các dự án có trong quy hoạch đề xuất điều chỉnh quy hoạch, tỉnh sẽ cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng không được tăng công suất dự án.
Đối với 10 dự án thủy điện đề xuất bổ sung vào quy hoạch sẽ dừng lại, không cho phép bổ sung; có 3 dự án đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt nhưng chưa giao cho chủ đầu tư cũng bị đề nghị xem xét để dừng. Hiện Nghệ An có 32 dự án thủy điện được phê duyệt với tổng công suất 1.378,9 MW, trong đó có 21 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 930,9 MW; 3 thủy điện chưa giao chủ đầu tư và có 2 dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Các vụ việc liên quan đến thủy điện kể trên khiến người ta nghĩ tới đợt lũ lụt dồn dập vừa qua, kéo dài từ giữa tháng 9 cho đến hết tuần đầu tháng 11, đã tàn phá nhiều địa phương khu vực miền Trung. Ngập lụt khủng khiếp đến từ mưa bão nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về những “quả bom nước” là những nhà máy thủy điện, những hồ chứa thủy điện “treo” trên cao. Đặc biệt, khi chúng đồng loạt xả nước với lý do bảo vệ công trình thì ngập lụt là không thể tránh khỏi.
Với tỉnh Quảng Nam, thời gian qua trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở núi vùi lấp hàng chục con người, đến nay vẫn không tìm thấy hết thi thể. Từ đó dư luận cho rằng trong đó có nguyên nhân trực tiếp từ các nhà máy thủy điện.
Người ta cũng cho rằng, khi cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ trên địa bàn thì doanh nghiệp được lợi, ngân sách địa phương được lợi, chỉ có người dân là thiệt. Thiệt vì mùa mưa bão lại phải lo chạy lũ, lại có người chết do núi lở, nước cuốn và rồi những cánh đồng, những thôn làng bị dìm trong nước. Thành quả lao động do đổ mồ hôi sôi nước mắt mà có bị cuốn trôi. Tay trắng lại hoàn trắng tay.
Việc phát triển thủy điện nhỏ ồ ạt những năm qua tại miền Trung, Tây Nguyên thực sự là mối lo lớn, ngay trước mắt và rất lâu dài. Để có một thủy điện dù là nhỏ, thì từng vạt rừng bị đốn ngã, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, vùng lõi của rừng. Môi trường sống bị thay đổi đến cùng với mối đe dọa tiềm tàng ẩn khuất.
Thế nhưng, vẫn còn một số người nhân danh khoa học cho rằng lũ lụt, sạt lở đất không phải do thủy điện nhỏ, mà là do biến đổi khí hậu, do cấu tạo địa tầng yếu. Nhưng họ nói sao đây khi rõ ràng thủy điện đã làm mất rừng, đã “tiếp tay” cho ngập lụt. Không thể nhân danh khoa học mà phớt lờ thực tế rừng miền Trung, Tây Nguyên bị mất, lũ lụt ngày một nhiều hơn, nặng nề hơn; sạt lở đất ngày càng khủng khiếp hơn.
Nghiên cứu khoa học nếu chỉ nặng tính lý thuyết mà xa rời thực tế, nhất là lại cố tình quên đi cuộc sống khốn khó đầy hiểm nguy của người dân thì những nghiên cứu ấy là một sự lầm lạc, lầm lỗi lớn. Nghiên cứu khoa học phải hướng về con người, phục vụ con người chứ không phải là để mặc con người chập chờn giữa sống và chết.
Vì thế, trở lại việc chỉ trong 1 tuần mà có tới 3 quyết định “chặn” thủy điện nhỏ ở khu vực miền Trung, mới thấy vấn đề rất cấp bách. Đó là những quyết định dũng cảm khi đã không tiếp tục chấp nhận chỉ vì cái lợi trước mắt mà hủy hoại tương lai. Đó là những quyết định vì dân.