10 năm gia nhập WTO: Doanh nghiệp Việt 'lớn' đến đâu?

Minh Phương 24/04/2017 07:45

Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2017) đã có nhiều khởi sắc khi tăng trưởng duy trì ở con số 6,29%. Bên cạnh con số tăng trưởng khả quan, năng lực của cộng đồng doanh nghiệp cũng được nâng lên rất nhiều. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đối diện với thách thức để chớp lấy cơ hội hội nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa hàng hóa ra nước ngoài.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, so với khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt vẫn còn khá nhỏ bé.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tham gia được vào mắt xích quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu.

10 năm hội nhập, tăng trưởng ấn tượng

Sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2017), mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm.

GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Đáng chú ý, kể từ khi trở thành thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt 12%-14%/năm và chỉ có dấu hiệu giảm sút trong thời gian ngắn gần đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006.

Đây là những con số cho thấy, khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam đã không bỏ lỡ những cơ hội có được từ sự kiện mang tính lịch sử này. Đặc biệt, về phía hoạt động của cộng đồng DN, theo nhận định của ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, các DN Việt đã tận dụng được cơ hội sau gần 10 năm gia nhập WTO khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhờ đó đã phần nào học hỏi, chuyển giao được công nghệ, kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ…

“Ngoài ra, áp lực cạnh tranh cũng khiến DN trưởng thành hơn. Rất nhiều DN Việt đã không bỏ lỡ cơ hội, chủ động tìm kiếm cơ hội liên kết với các DN ngoại để từ đó thúc đẩy khả năng đưa hàng hóa sản phẩm của mình ra nước ngoài”- ông Lương Văn Tự nhấn mạnh.

Là chủ một DN vừa vinh dự nhận giải thưởng Thương mại dịch vụ năm 2016 do Bộ Công thương trao tặng, ông Trần Đăng Phúc- Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết, trong 10 năm qua, bằng sự nỗ lực vươn lên, học hỏi kinh nghiệm của các DN nước ngoài, các sản phẩm của Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã gia tăng đáng kể về giá trị và chất lượng.

Ông Phúc cho biết, để có thể hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, không còn con đường nào khác, các DN Việt Nam phải có chiến lược đầu tư để nâng tầm thương hiệu, nâng cao trang thiết bị sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, vì với mỗi DN, muốn phát triển bền vững thì yếu tố bảo vệ môi trường là quan trọng.

Theo ông Phúc, trong 10 năm qua, hàng hóa sản phẩm của công ty đã vươn ra nhiều thị trường trên thế giới, trong đó chinh phục được cả những thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Hồng Kông hay Nhật Bản…

Dấu ấn chưa rõ nét

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Montri Suwanposri - Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nhận định, các DN Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây đã có những nỗ lực vượt bậc so với trước kia.

Nhiều DN đã chủ động học hỏi đối tác nước ngoài để có thể nâng cao khả năng quản trị, năng lực sản xuất, chủ động liên kết để từ đó phát triển được chuỗi sản xuất, bán hàng.

“Nếu so với thời điểm 10 năm trước đây, các DN trong nước chỉ hoạt động một cách nhỏ lẻ, thụ động thì nay diện mạo đó đã thay đổi, hoàn toàn khác, các DN Việt đang rất cố gắng, nỗ lực để vươn lên chớp lấy thời cơ hội nhập”- ông Montri Suwanposri nói.

Nhận định về những đổi mới của nền kinh tế cũng như sự thay đổi về năng lực của cộng đồng DN Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, sau 10 năm gia nhập WTO - một chặng đường chưa dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với các DN, doanh nhân Việt Nam.

“Chúng ta tự hào rằng, các DN, doanh nhân đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, chấp nhận cuộc chơi lớn, sòng phẳng. Tỷ trọng thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm. Việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khung khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế-xã hội hiện đại, bền vững với những đường hướng và mục tiêu rõ nét” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mặc dù thừa nhận những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được sau 10 năm gia nhập WTO, song nhiều ý kiến cho rằng, một điểm nổi lên đáng quan ngại trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, tuy 10 năm qua, hàng hóa xuất khẩu của ta mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn, cùng đó tìm kiếm được nhiều thị trường xuất khẩu hơn, song hàng hóa xuất khẩu mang nội hàm trong nước chưa cao, dấu ấn của DN Việt trong giá trị hàng xuất khẩu còn thấp, chủ yếu vẫn chỉ nhìn thấy sự hiện hữu của các DN FDI.

Do đó, theo TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, rất cần những yếu tố, động lực về chính sách để thúc đẩy DN nâng cao năng lực cạnh tranh cần phải mạnh mẽ hơn nữa, trong đó cần chú trọng vào phát triển công nghiệp phụ trợ.

“Vì chỉ khi nền công nghiệp phụ trợ mạnh mới nâng cao được khả năng của các DN Việt tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu, nằm ở những mắt xích quan trọng trong chuỗi đó, lúc đó DN mới thực sự phát triển bền vững”- TS Thành nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm gia nhập WTO: Doanh nghiệp Việt 'lớn' đến đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO