10 triệu người trên thế giới nhiễm Covid-19

Khánh Duy 29/06/2020 06:00

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số 10 triệu người nhiễm cao gần gấp đôi số người bị nhiễm bệnh cảm cúm nặng được ghi nhận mỗi năm.

Ấn Độ nằm trong số 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19. Nguồn: The Hindu.

Tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới trên toàn cầu đã cán mốc 10 triệu trong hôm 28/6, theo thống kê của Reuters, đánh dấu một cột mốc mới đáng sợ của đại dịch Covid-19 mà tính đến thời điểm này đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người trong 7 tháng.

Cột mốc đáng sợ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số 10 triệu người nhiễm cao gần gấp đôi số người bị nhiễm bệnh cảm cúm nặng được ghi nhận mỗi năm. Cột mốc mới được ghi nhận trong bối cảnh nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề đang bắt đầu gỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa, cùng lúc thay đổi cách sống cũng như làm việc của người dân đề ngăn chặn dịch, cho đến khi một chủng vaccine hữu hiệu xuất hiện.

Một số quốc gia đang phải chứng kiến sự trỗi dậy của virus Corona chủng mới, khiến cho chính quyền các nước này phải áp dụng trở lại lệnh phong tỏa cục bộ. Đây là xu hướng mới mà giới chuyên gia cho rằng sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới, có thể đến năm 2021.

Bắc Mỹ, Mỹ Latin và châu Âu mỗi khu vực đều chiếm khoảng 25% tổng số ca nhiễm Covid-19, trong khi châu Á và Trung Đông chiếm khoảng 11% và 9% theo thứ tự; theo thống kê của Reuters. Tính đến nay đã có hơn 497.000 ca tử vong có liên quan tới Covid-19, ngang với con số tử vong do bệnh cúm theo mùa ghi nhận hàng năm.

Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào ngày 10/1/2020 ở Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó dịch lan tới châu Âu, tới Mỹ và Nga. Đại dịch giờ đã đi vào giai đoạn mới, trong đó Ấn Độ và Brazil hiện đang đối mặt với số ca nhiễm hàng ngày rất cao, khoảng 10.000 ca, tạo ra áp lực lớn với các nguồn tài nguyên của các nước này.

Hiện Ấn Độ và Brazil chiếm tới hơn 1/3 tổng số ca nhiễm mới tính trong tuần vừa rồi. Brazil báo cáo số ca kỷ lục là 54.700 vào ngày 19/6. Một số nhà nghiên cứu nói rằng số ca tử vong ở Mỹ Latin còn có thể tăng tới hơn 380.000 vào tháng 10 tới, từ con số khoảng 100.000 ghi nhận trong tuần này. Tổng số ca nhiễm tiếp tục tăng ở mức 1 - 2% mỗi ngày trong tuần qua, giảm so với mức 10% trong tháng 3.

Các quốc gia gồm Trung Quốc, New Zealand và Australia cũng chứng kiến đợt bùng phát dịch mới trong tháng trước, dù chính quyền các nước này đã ngăn chặn được phần lớn sự lây lan trong cộng đồng. Ở Bắc Kinh, nơi hàng trăm ca nhiễm mới có liên quan tới một khu chợ nông sản, chính quyền đã tăng cường khả năng xét nghiệm lên 300.000 cuộc xét nghiệm mỗi ngày.

Nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng

Tại châu Mỹ, trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 43.557 mắc bệnh và 512 ca tử vong, tiếp tục vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 2.596.533 ca và 128.152 ca tử vong.

Bộ Y tế Mexico cũng thông báo số ca mắc Covid-19 đã tăng lên đến 212.802 người, trong đó có 26.351 ca tử vong, tăng tương ứng 9.851 ca bệnh và 1.291 ca tử vong trong 2 ngày qua, và 67.099 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Bên cạnh số ca tử vong trong nước, hơn 1.400 công dân Mexico đã tử vong do Covid-19 tại Mỹ.

Thống kê cho thấy trong vòng 25 ngày qua, trung bình Mexico ghi nhận trên 4.000 ca mắc mới và hơn 500 ca tử vong mỗi ngày.

Mexico đã tiến hành 551.052 xét nghiệm và như vậy có tới 38,62% số người xét nghiệm cho kết quả dương tính. Hiện tại tỉ lệ tử vong trên số ca mắc Covid-19 ở Mexico cao thứ 3 thế giới với 12,38%.

Brazil tiếp tục đứng đầu Mỹ Latin về số ca bệnh khi ghi nhận thêm 38.693 ca nhiễm mới và 1.109 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1,3 triệu người và 57.070 ca tử vong.

Peru đứng thứ 2 trong khu vực về số ca bệnh với 272.364 trường hợp, trong đó có 8.939 ca tử vong; và Chile xếp thứ 3 với 267.766 ca nhiễm bệnh, trong đó có 5.347 ca tử vong.

Tại châu Âu và châu Á, Nga và Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc bệnh mới ở mức cao. Đây cũng là 2 nước nằm trong số 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 với tổng số ca mắc bệnh tính đến thời điểm hiện tại ở Nga là 627.646 ca và ở Ấn Độ là 529.577 ca.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo người dân về hành vi bất cẩn trước những diễn biến nguy hiểm còn tiếp diễn do virus SARS-CoV-2 gây ra. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh mối đe dọa từ virus vẫn còn nghiêm trọng, bà Merkel đồng thời nhắc lại một cách rõ ràng lời kêu gọi của mình từ đầu cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 giữa tháng 3 rằng người dân Đức cần nghiêm túc đối phó với dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 triệu người trên thế giới nhiễm Covid-19