Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916-2/2/2016), ngày 3/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo về “Thơ Xuân Diệu và những đóng góp của Xuân Diệu trong tiến trình phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại”, nhằm đánh giá một lần nữa những cống hiến của Xuân Diệu với nền thi ca hiện đại Việt Nam.
Nhà thơ Xuân Diệu.
Tại hội thảo, theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Cách đây đúng 100 năm, nhà thơ của tình yêu-Xuân Diệu ra đời. Công lao, sự nghiệp và dấu ấn Xuân Diệu để lại cho chúng ta rất lớn. Xuân Diệu có sự nghiệp đồ sộ, được nhiều thế hệ đánh giá cao, Nhà nước ghi nhận, đặc biệt trở thành nền tảng tinh thần cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Xuân Diệu đã tạo nên một nhân cách văn hóa trong sáng. Dấu ấn mà ông để lại mãi đẹp trong tiến trình văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh.
Với gần 50 tham luận được gửi tới hội thảo cho thấy sức sống của thơ Xuân Diệu, và thơ Xuân Diệu vẫn là đề tài lớn để các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Tại hội thảo, các đại biểu đều ghi nhận, mới 30 tuổi, Xuân Diệu nổi tiếng với hai tập thơ ”Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió”. Ông được biết đến với tư cách là nhà thơ lãng mạn, trữ tình. Xuân Diệu có hơn nửa thế kỷ sáng tạo thơ. Ông là người có ảnh hưởng nhất trong phong trào Thơ mới. Từ đỉnh cao của dòng thơ trữ tình lãng mạn, ông chuyển sang dòng thơ anh hùng ca, tự sự trữ tình, pha chút chính luận một cách dứt khoát từ tập thơ “Ngọn quốc kỳ” (1945) đến tập “Một khối hồng” (1964) rồi “Thánh ca” (1982)...
Là cây đại thụ trong nền thi ca hiện đại, Xuân Diệu để lại khoảng 450 bài thơ, trong đó có mội số lượng lớn chưa được công bố, một số truyện ngắn, nhiều bút ký và tiểu luận phê bình văn học. Xuân Diệu là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Nghệ thuật của nước Công hòa dân chủ Đức (cũ). Nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Ông mất ngày 18/12/1985 tại Hà Nội. Tên của ông đã được đặt cho một số đường phố, trường học, nhà văn hóa, bảo tàng tại Hà Nội và tỉnh Bình Định.
Theo nhà văn Đỗ Ngọc Yên, trong sự nghiệp sáng tác của mình, Xuân Diệu được biết đến với tư cách là nhà thơ lãng mạn trữ tình. Ông đã thổi một làn gió mới vào thi đàn Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ XX. Xuân Diệu được coi là một trong những chủ soái của Phong trào Thơ mới.
Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này gồm: Thơ mới (1938) và Gửi hương cho gió (1945). Có thể nói hai tập thơ này của ông được giới lý luận – phê bình văn và văn học sử xem như là kiệt tác ca ngợi tình yêu và cuộc sống. Ở đó, Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến mức quằn quại, đớn đau mỗi khi cảm thấy thời gian đang chảy trôi vào vô tận.
Cũng theo nhà văn Đỗ Ngọc Yên thì như vậy đủ thấy Xuân Diệu cảm nhận về sự hữu hạn, mong manh của đời người, nên cần phải sống thật và yêu một cách hết mình, đắm say…