Ngày 1/8 tới, Hà Nội sẽ kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính. 15 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng đã cho thấy Hà Nội thay đổi khá nhiều, đặc biệt ở khía cạnh diện mạo đô thị với các công trình giao thông công cộng. Nhưng Hà Nội cũng còn đó nhiều vấn đề cần phải giải quyết, như quy hoạch xây dựng, kiến trúc nông thôn…
Nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn cho rằng, trong khi trẻ con thiếu trường học, người lớn thiếu không gian công cộng thì chung cư vẫn được cấp phép xây dựng. Có cảm tưởng như Hà Nội đang có ý kêu gọi người các tỉnh về sống càng nhiều càng tốt.
PV: Thưa ông, 15 năm trước, khi Hà Nội mở rộng, sáp nhập Hà Tây, cảm xúc của ông khi đó thế nào?
Nhà văn - họa sĩ ĐỖ PHẤN: Có một chuyện thế này. Khi đó nhiều người sống ở Hà Nội rất vui. Riêng tôi còn vui hơn vì mình đã trở thành người Hà Nội. Mẹ tôi quê ở Hà Tây, huyện Phú Xuyên. Cụ rất thích về quê. Tuổi gần 80 mà thỉnh thoảng bắt xe ôm về tận quê. Cụ không đi được ô tô. Hôm Hà Tây nhập vào Hà Nội, tôi nói với cụ: Vậy là từ nay mẹ không phải về quê nữa nhé. Cứ ở nhà thì đã là về quê rồi (Cười).
Ngoài câu chuyện gia đình, thú thực cho đến tận bây giờ tôi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc sáp nhập này. Bởi vì trong tôi vùng đất Hà Tây hay Hà Đông cũ không đơn giản chỉ là tên gọi. Nó là vùng đất văn hóa lâu đời. Có rất nhiều danh nhân sinh ra lớn lên và gắn với vùng đất ấy. Tác phẩm của họ cũng vậy.
Dù không phải là người Hà Tây, tôi vẫn cảm thấy có một cái gì đó mất mát, trống rỗng. Đại khái như trước đây tôi có vài người bạn ở Hà Đông. Thỉnh thoảng vào chơi trong ấy. Giờ mỗi lần toan cất bước lại thấy ngài ngại. Chuyến đi của mình không còn ý nghĩa như trước nữa.
Vâng, cảm xúc của mỗi cá nhân có thể là khác nhau. Còn những vấn đề chung, như văn hóa, theo ông có điều gì đáng lo, hoặc cần thiết phải lưu tâm?
- Chẳng có gì đáng lo cả. Tôi luôn nghĩ rằng Hà Tây đủ nguồn cội văn hóa của mình không kém gì Hà Nội. Người Hà Tây ở Hà Nội cũng rất nhiều. Tôi tin họ cũng chẳng bao giờ muốn gốc gác của mình bị đổi thay. Người Hà Nội cũng còn rất lâu nữa mới mường tượng được ra cảnh đi lễ Chùa Thầy cũng đơn giản thuận tiện như đi lễ chùa Quán Sứ. Những vùng đất trong tâm tưởng của họ vẫn theo ký ức mà vận hành không thay đổi. Như ta thấy, mọi sinh hoạt văn hóa lễ hội ở hai vùng đất sáp nhập này vẫn diễn ra như thường lệ. Có khác chăng chỉ là tên gọi trong các văn bản hành chính mà thôi. Chùa Hương vẫn ở đấy. Rau sắng và quả mơ vẫn là niềm tự hào của vùng đất ấy.
Sau 15 năm, có một điều dễ nhận thấy đó là sự thay đổi của diện mạo đô thị Thủ đô. Nhưng vấn đề quản lý đô thị xem ra còn nhiều điều đáng bàn. Đơn cử như quản lý vỉa hè Hà Nội vẫn còn rất lúng túng?
- Tôi đoán rằng các lãnh đạo thành phố hẳn là biết quá rõ việc này. Nhưng họ cũng có cái khó của họ. Ai cũng hiểu rằng phố huyện là phố huyện dù nó có gắn liền với đô thị lớn. Ta không thể quản lý nó như một thành phố lớn. Luật lệ vì thế cũng phải được lập ra chi tiết hơn cho từng vùng dân cư khác nhau. Đại khái như ở Hà Nội giờ đây không còn thấy cảnh đứng ngồi ăn uống chuyện trò trên vỉa hè nữa. Người ta tự biết mối nguy hiểm về an toàn giao thông và tình hình vệ sinh thực phẩm mà tránh đi. Nhưng ở nông thôn thì không thế. Vỉa hè lề đường là nơi thoáng mát gần gũi với mọi sinh hoạt cộng đồng. Từ ăn uống cho đến tụ tập hội hè hàng xóm láng giềng. Thậm chí người ta còn có thể dựng rạp ngoài đường mà tổ chức những sự kiện hay cuộc vui tập thể. Chỉ có một việc mà chính quyền cần phải quản lý thôi. Đó là bắt buộc những sự kiện như thế diễn ra trên đường phải có người đảm bảo an toàn, hướng dẫn cho xe cộ và người qua lại. Thế nhưng rất ít nơi làm như thế. Và tai nạn vẫn xảy ra. Tranh cãi vẫn xảy ra…
Vỉa hè Hà Nội nhiều nơi vẫn còn cảnh hàng quán nhếch nhác. Có thể gọi đúng tên người chịu trách nhiệm ở đấy. Nhẹ thì do nể nang hàng phố mà bỏ qua. Nặng hơn có thể là bao che cho những vi phạm ấy kiếm lợi. Hà Nội đã từng thành lập những đội tự quản ở các phường. Nhưng đội quân ấy nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Đội quân ấy là ai? Họ cũng chỉ là những thị dân có cùng hoàn cảnh với người vi phạm. Đôi khi là chính gia đình của họ vi phạm.
Nhìn sang khía cạnh quy hoạch xây dựng cũng cho thấy những rối lẫn đáng bàn. Từ góc nhìn của mình, ông có thể chỉ ra những điều đáng bận tâm trong việc quy hoạch xây dựng các công trình kiến trúc công cộng và nhà ở tại các đô thị mới?
- Hà Nội đương nhiên có quy hoạch dài kỳ cho vài ba chục năm sau, nhưng các chủ đầu tư liên tục vi phạm. Có anh ngang nhiên xây cả tòa nhà hơn 30 tầng không phép bán cho người dân. Ta cứ thử xem qua những khu đô thị vệ tinh bám quanh Hà Nội. Từ Linh Đàm sang Hà Đông và dọc con đường Lê Văn Lương mới mở. Nó hoàn toàn là minh chứng rõ nét nhất cho lòng tham của các chủ đầu tư. Hậu quả nhãn tiền của nó là cảnh tắc đường triền miên.
Hà Nội không thiếu chỗ ở. Thi thoảng tôi lại nhận được những cuộc gọi và tin nhắn rao bán căn hộ chung cư. Một cách đơn giản nhất cho người quản lý là ngay từ ngày mai sẽ không cấp phép cho bất kỳ công trình xây dựng chung cư nào nữa. Chẳng biết lãnh đạo thành phố đã có ai nghĩ thế chưa? Trong khi trẻ con thiếu trường học, người lớn thiếu không gian công cộng. Nhiều lúc có cảm tưởng như Hà Nội đang có ý kêu gọi người các tỉnh về sống càng nhiều càng tốt. Bằng chứng là chỗ ở sẵn sàng bán cho họ không giới hạn. Nhưng kèm theo đó là trường học, bệnh viện và những công trình công cộng lại chưa được quan tâm đầy đủ.
Quy hoạch xây dựng một thành phố không chỉ đơn thuần là xây dựng. Nhưng hiện nay chính quyền mới chỉ bắt lỗi những công trình vi phạm quy hoạch xây dựng mà thôi. Chưa thấy xử lý rốt ráo nguyên nhân gây ra tắc đường, thiếu trường sở và bệnh viện.
Một câu chuyện đáng bàn nữa, đó là kiến trúc nông thôn cũng đang thay đổi chóng mặt. Nhiều ngôi làng của Hà Tây cũ giờ khang trang hơn, đời sống kinh tế người dân ăn nên làm ra hơn, kéo theo đó là những ngôi nhà ống thay thế những ngôi nhà mái ngói; ô tô cá nhân nhiều hơn nhưng đường làng thì không theo kịp?
- Bài toán quy hoạch nông thôn còn nan giải hơn rất nhiều. Đất đai thổ cư của người dân là thứ bất khả xâm phạm đã đành. Thị hiếu của họ mới là việc đáng bàn. Tôi có vài người bạn bỏ phố về quê mua đất xây nhà. Tưởng rộng rãi mát mẻ thế nào hóa ra cũng nằm tít sâu trong các ngõ ngách ở làng. Ô tô về phải đậu mãi ngoài đê. Nhà cửa trong làng chen vai thích cánh chẳng khác gì ở phố. Cũng 5-7 tầng nhìn sang lưng nhà hàng xóm. Bạn bảo ở đây được cái không khí tốt. Tôi ngồi cả buổi giữa tiếng ồn ào karaoke hàng xóm và chiếc quạt máy như cái chong chóng trẻ con chơi. Chẳng thấy không khí ở đây khác gì nhà tôi ở quận Ba Đình. Ý niệm sống ở quê trong tôi phải là vườn vài sào, ao vài chiếc (Cười).
Những ngôi làng mà anh nói khang trang hơn của Hà Nội mới lại chính là thứ làm tôi dị ứng nhất. Thể thức kiến trúc thì hoa hòe hoa sói mà công năng chẳng được bao nhiêu. Đã thế, quy hoạch đường sá nông thôn chưa thật sự quan tâm đúng mức. Rất hiếm ngôi làng nào bảo nhau thu gọn đất ở để làm đường đi lại. Vỉa hè hầu như không có khái niệm ở làng. Ngay cả khái niệm quy hoạch dường như cũng không tồn tại ở làng.
Vậy từ góc nhìn của ông, Hà Nội có nên đưa ra một cơ chế, một chính sách để bảo tồn một số ngôi làng cổ tiêu biểu tương tự như bảo tồn làng cổ Đường Lâm để phát triển du lịch?
- Không. Du lịch ư? Hãy chỉ nên dựa vào hình sông thế núi địa phương mà xây dựng những khu du lịch để kinh doanh. Thái Lan là một đất nước không có nhiều thắng cảnh đẹp bằng chúng ta, nhưng cả nước là một điểm du lịch khổng lồ của thế giới. Họ xây dựng nên cả đấy. Du lịch đã gọi là một ngành công nghiệp không khói thì cũng cần đầu tư phát triển như mọi ngành nghề khác. Tận dụng vẻ đẹp cổ kính của một ngôi làng được phong di sản làm điểm du lịch tôi cho đó là cách làm cần suy xét lại.
Thế còn trong lĩnh vực văn học và hội họa của Hà Nội, trong 15 năm năm qua, trong góc nhìn của ông?
- 15 năm là một khoảng thời gian quá ngắn so với lịch sử. Nó chỉ như một dấu chấm giữa nghìn trang sách mà thôi. Người viết, người vẽ về Hà Nội vẫn luôn canh cánh trong lòng một món nợ với Hà Nội. Những thứ đã được viết, vẽ ra rồi chẳng thấm tháp gì so với một Hà Nội bộn bề cuộc sống. Cái cốt cách ứng xử của người Hà Nội vẫn luôn ở đấy. Dù có bị pha loãng mờ nhạt đi ít nhiều nhưng nó vẫn tồn tại. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô là phải làm cho nó trở nên bền vững. Trở thành dòng chủ lưu cho ứng xử của con người nơi đây.
Trân trọng cảm ơn ông!